Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về nhận thức, tình cảm xã hội, thể chất và thẩm mỹ cho trẻ.
Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, trong đó chú trọng nội dung đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định đạo đức nhà giáo, đặc biệt là phương pháp rèn luyện và xây dựng phong cách nhà giáo hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non và xu thế hội nhập quốc tế - là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong lĩnh vực Giáo dục Mầm non.
Ngày 08/1/2019, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ký ban hành Quyết định 33/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 (gọi tắt là Đề án 33), với mục tiêu đào tạo nâng cao trình độ, bảo đảm đến năm 2020 ít nhất 70% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên.
Quyết định yêu cầu, 80% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên liên tục, ngay tại trường; 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non.
Để hiện thực hóa Quyết định 33/QĐ-TTg, Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai thực hiện. Đề án đã huy động các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cùng tham gia và bước đầu có những kết quả nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nên đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Sau khi nghe các báo cáo về tiến độ thực hiện Đề án của các thành viên ban chỉ đạo và các trường về những thuận lợi và khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao cơ quan thường trực tham mưu, triển khai nhiệm vụ Đề án trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó vai trò của ban chỉ đạo và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là rất lớn.
Đến thời điểm này, đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ của Đề án, điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm cao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ban chỉ đạo và các thành viên. Để thực hiện tốt công việc của các năm tiếp theo, đặc biệt là trong năm 2021 này, Thứ trưởng yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cần có báo cáo đầy đủ kế hoạch thực hiện của năm 2020.
Báo cáo cần đánh giá lại các nội dung công việc đã thực hiện, bám sát mục tiêu nhiệm vụ của đề án chi tiết nhưng tổng hợp cụ thể theo từng đầu việc được giao, đang đứng ở đâu, phải bù đắp chỉ tiêu thực hiện gì cho những năm tiếp theo đảm bảo các mục tiêu. Qua đó rà soát nhiệm vụ nào chậm tiến độ để tăng tốc. Thời gian qua đã làm được những gì, bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị...
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, báo cáo đánh giá phải đưa được mấu chốt tinh thần Quyết định 33, soi vào các kế hoạch của Bộ, kế hoạch không có gì là bất biến, nếu thấy không phù hợp thì kiến nghị điều chỉnh. Kế hoạch không thực hiện một cách cứng nhắc mà phải linh hoạt, hiệu quả, nếu cần đề xuất lãnh đạo Bộ thay đổi. Báo cáo phải có sản phẩm cụ thể, chứ không chung chung.