Cách đây ít ngày, một sự việc đau lòng xảy ra tại Lào Cai đã khiến 3 em tử vong tại chỗ và 3 em khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là các em rủ nhau chơi đùa, đánh đu trên cánh cổng trường khiến cánh cổng cùng trụ cổng bất ngờ đổ xuống, đè lên các em.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, để đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học.
Tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học, kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trường lớp ngay từ đầu năm học 2020-2021.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, thẩm quyền chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh thực hiện nghiêm Công văn số 64/BGDĐT-CSVC ngày 9/1/2018 của Bộ GD&ĐT tại về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng công trình trong nhà trường nhất là trong mùa mưa bão, lập kể hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn cho học sinh theo quy định khi chưa cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Sở GD&ĐT hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện Công văn này, báo cáo UBND tỉnh.
Bà Kiều Thị Nguyệt- Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Đà Bắc (Hoà Bình) chia sẻ, nhà trường luôn đặt tiêu chí an toàn cho học sinh lên trên hết. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, nhà trường còn luôn đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc khang trang, sạch sẽ.
Ngoài việc học tập, học sinh đảm bảo việc ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài khu vực phòng. Các thầy, cô cũng thường xuyên quan tâm, hướng dẫn học sinh các kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, kĩ năng thoát hiểm.
Bà Đinh Thị Hường- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT, các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cụ thể như tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh, tập trung vào các nội dung: đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ, điện giật, an toàn về giao thông đường bộ; cách cứu nạn đuối nước; phòng tai nạn đuối nước trong dịp hè, mùa mưa, lũ...
Tăng cường công tác quản lý học sinh các giờ chính khoá, cũng như các hoạt động ngoại khoá; kiểm tra sĩ số trước khi vào lớp và trong suốt quá trình giảng dạy, học tập, hoạt động.
Khi thấy có học sinh vắng mặt, phải chủ động liên lạc với phụ huynh, gia đình học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp giáo dục, xử lý kịp thời. Phối hợp gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước thường xuyên.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất phòng học, các phòng chức năng, chuyên môn của đơn vị, đặc biệt là những phòng cấp 4 đã xuống cấp, báo cáo kịp thời và đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên có kế hoạch sửa chữa, hoặc xây mới.
Kiểm tra, gia cố, sửa chữa công trình có sử dụng mái ngói, tấm lợp bằng tôn, prôximăng, trần nhựa, cửa kính, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi xảy ra mưa, bão, lốc; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn.