Cùng với đó Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (Hà Nội) đã phối hợp với Hội Nhà Văn Việt Nam cho ra mắt bản dịch Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du sang tiếng Nga bằng thơ tự do.
Đến dự buổi giới thiệu này có: Bà Elena Robertovna Zubtsova - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Liên bang Nga; ông Vadim Vladimirovich Bublikov - Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; dịch giả Vũ Thế Khôi; dịch giả Hoàng Thúy Toàn; cùng đông đảo các dịch giả và các giáo sư, tiến sĩ, các thầy cô, các em sinh viên đam mê văn học đến từ các trường Đại học và THPT tại Hà Nội.
Tại buổi giới thiệu, ông Vladimirovich Bublikov – Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến dịch giả Vũ Thế Khôi và tập thể dịch giả đã đóng góp vào sự ra đời của cuốn “Truyện Kiều song ngữ Việt-Nga”.
Ông Vadim Vladimirovich Bublikov đánh giá cao bản dịch Truyện Kiền sang tiếng Nga. Ông cho rằng, sự ra đời của cuốn sách này đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho những tâm hồn văn học có cơ hội gặp gỡ và giao thoa.
Ông cũng đánh giá cao chất lượng bản dịch và hi vọng bản dịch này không chỉ giúp người Nga hiểu hơn về văn học Việt Nam mà còn cung cấp tư liệu quý giá cho sinh viên và giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga.
Nói về bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga, PGS Phạm Vĩnh Cư đã chia sẻ: Tôi rất ấn tượng về bản dịch “Truyện Kiều” của dịch giả Vũ Thế Khôi. Chắc chắn cuốn “Truyện Kiều song ngữ Việt-Nga” sẽ được độc giả Nga đón nhận nồng nhiệt.
Tại buổi giới thiệu, các dịch giả, những người yêu văn học Việt Nam và Nga không chỉ có những bàn luận, trao đổi mà còn phân tích về tác phẩm dịch và đọc minh họa một số đoạn trích rất sôi nổi.
Trước những tình cảm, sự cổ vũ, động viên của bạn bè, đồng nghiệp, các thầy cô giáo và sinh viên dành cho, dịch giả Vũ Thế Khôi chia sẻ:
Để đưa cuốn sách đến tay độc giả, trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp phải không ít những khó khăn, song với niềm đam mê của mình, ông đã vượt qua những rào cản về ngôn ngữ “quyết tâm hoàn thành việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga trong dịp cả thế giới tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Du” và cũng để “trả cái nghĩa cho tiếng Nga” đã giúp ông lập nghiệp và có được ngày hôm nay.
Hiện tại, cuốn sách đã được xuất bản 1000 bản với hình thức trang trọng và nội dung đạt chất lượng cao. Đặc biệt, những hình ảnh minh họa trong chú thích được thực hiện bởi các danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn,... làm tăng giá trị của cuốn sách.