Ra mắt tập sách Ngô Kha “Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy“

GD&TĐ - Sáng nay (27/7), Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia đình cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha tổ chức buổi ra mắt giới thiệu tập sách Ngô Kha "Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy".

Đông đảo bạn đọc, khách mời tham dự buổi ra mắt tập sách Ngô Kha
Đông đảo bạn đọc, khách mời tham dự buổi ra mắt tập sách Ngô Kha

Tập sách là tấm lòng của con cháu trong gia đình, là nỗi nhớ thương của bạn bè, đồng đội tưởng niệm Ngô Kha nhân kỷ niệm một năm ngày mất của ông (8/8/2013- 8/8/2014)

Ngoài những bài viết về nghiên cứu lịch sử gắn liền với những năm tháng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược ở  vùng đất Quảng Trị - Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, tập sách còn có những bài viết, những bài thơ đầy hoài niệm, như tiêu đề của cuốn sách "Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy" (vốn là tiêu đề một bài báo của ông).

Ông sống trọn đời mình với lý tưởng mà tuổi trẻ của ông và bao thế hệ thanh niên thời đó đã chọn. Qua mỗi trang sách, người đọc sẽ bắt gặp sự sâu lắng của cuộc sống, sự trung thực, giàu lòng thương yêu đồng chí, đồng đội và những người có số phận không may - Bình dị mà nhân ái; khôi hài mà tinh tế, giàu tình cảm.

Những câu thơ mà bạn bè đã nói về  ông như "Chiến trường lửa đạn xông pha. Đi đâu cũng thấy Ngô Kha khôi hài" tạo nên nguồn "phialatop tinh thần" cho anh em đồng đội.

Một phần khác của cuốn sách là Ngô Kha trong trang viết của bạn bè, người thân, là một số bài viết có liên quan đến hoạt động của nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha, của bạn bè ông từng sống trong chiến khu như: Hoàng Phủ  Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân...

Cố nhà báo Ngô Kha sinh ra trên quê hương Quảng Trị nhưng có gần 50 năm công tác, hoạt động, làm báo gắn bó mật thiết và hiểu sâu sắc về mảnh đất con người Thừa Thiên - Huế.

Cùng với những trang viết, cái cách ông đi hết cuộc đời với một cung cách sống do chính ông chọn lấy "ta ra khỏi rừng, rừng không ra khỏi ta" khiến cho mọi người mãi nhớ, và kính trọng ông nhà báo - nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ