Ra mắt sách “Mắt trùng khơi” và công bố Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương

GD&TĐ - Ngày 10/12, tại Hà Nội, sách “Mắt trùng khơi” (tác giả Lữ Mai – Trần Thành) đã chính thức ra mắt độc giả, góp mặt vào Tủ sách Biển đảo quê hương, do Nhà xuất bản Văn học hợp tác với Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thực hiện.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh Mắt trùng khơi.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh Mắt trùng khơi.

Sau thành công của cuốn sách Nơi đầu sóng và Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu 100 hình ảnh tiêu biểu về biển đảo Tổ quốc trong dịp Quốc khánh 2/9/2019 với sự tham dự, hỗ trợ đưa tin của các nhà báo, đồng nghiệp trên tinh thần chia sẻ, đồng cảm… nhóm tác giả tiếp tục xuất bản tập 2 “Nơi đầu sóng” với tên chính thức: Mắt trùng khơi.

Cuốn sách này được in ấn, lưu chiểu trong tháng 11/2019 và phát hành đầu tháng 12, ra mắt dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) cùng với các hoạt động bổ trợ: Triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động chương trình tặng sách ra biển đảo dịp Tết 2020...

Bà Cao Thị Thanh Nga - đại diện nhãn hàng Evashoes (áo dài đen), đơn vị tài trợ in ấn tham gia Lễ mở sách "Mắt trùng khơi" cùng các tác giả và TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học (ngoài cùng bên trái) .
Bà Cao Thị Thanh Nga - đại diện nhãn hàng Evashoes (áo dài đen), đơn vị tài trợ in ấn tham gia Lễ mở sách "Mắt trùng khơi" cùng các tác giả và TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học (ngoài cùng bên trái) . 

“Mắt trùng khơi” là cuốn sách thể loại tản văn, ghi chép, ảnh có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như: người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…

Trong lời mở sách, nhóm tác giả đã chia sẻ về chủ đề Mắt trùng khơi xuyên suốt tác phẩm: “Đi biển, trong ngàn vạn điều thiêng liêng và thương mến, có lẽ những ánh mắt nơi trùng khơi luôn thuộc về nỗi ám ảnh khôn nguôi...

Bên mắt người, còn có cả những mắt biển, mắt trời bất kể ngày hay đêm đang ngời lên giữa nghìn trùng sóng gió. Đó là hải đăng, là ra-đa, là tàu trên biển đấy... Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt”.

Nếu “Nơi đầu sóng” được ví như cánh cửa mở ra biển trời, hoa lá, sóng gió khơi xa qua hình ảnh, ngôn ngữ giàu cảm xúc thì “Mắt trùng khơi” đề cập trực diện tới số phận con người. Đó là những lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ biển và cả gia đình họ trong đất liền cũng chung nhịp đập thổn thức của trái tim người giữ biển.

Đó là những người vợ, người cha người mẹ, những người con bao năm đi học không có bố đưa đến trường; những thủy thủ can trường trên từng chuyến tàu nối đất liền với biển đảo; những người trông giữ “mắt biển” là hải đăng, ra-đa…

Những bức ảnh tại triển lãm ảnh Mắt trùng khơi, trưng bày trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Việt Nam.
 Những bức ảnh tại triển lãm ảnh Mắt trùng khơi, trưng bày trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Diễn ra cùng lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh Mắt trùng khơi giới thiệu tới công chúng trên dưới 30 bức ảnh của kỹ sư – nhiếp ảnh gia Trần Thành chụp qua 8 lần đi biển. Như tên gọi, triển lãm tập trung vào chủ đề những đôi mắt trên biển.

Đó có thể là mắt người (bộ đội, thân nhân của bộ đội, các lực lượng khác trên biển đảo, những công dân nhỏ trên đảo), “mắt trời” (ra-đa), “mắt biển” (hải đăng), mắt các loài vật (chim hải âu, chim ó, chó trên đảo, cá dưới biển)…

Đây là bộ ảnh chọn lọc khá đặc biệt của kỹ sư Trần Thành. Anh cho biết, một trong những điều thu hút nhất với anh là việc ghi lại những đôi mắt trên biển với nhiều sắc thái, góc độ, tâm trạng. Tất cả mọi niềm vui, nỗi buồn, bồi hồi, rung động, day dứt, xót xa… của con người khi họ không thể hiện qua hành động, lời nói thì đều đong đầy trong ánh mắt. Chủ đề này vốn trùng hợp với chủ đề chung của sách nên anh quyết định triển lãm.

Cùng với hai sự kiện trên, nhóm tác giả và các đơn vị đồng hành cũng kiến tạo một không gian chung mang chủ đề biển đảo và mời các tổ chức, cá nhân, những người lính… cùng tham dự như một ngày hội.

Được biết, ngoài sách và ảnh, có rất nhiều ấn phẩm khác mang sắc màu biển đảo như: Kỷ vật Trường Sa, Lịch, Kỷ yếu các đoàn công tác, sản phẩm thời trang… sẽ có mặt tại sự kiện này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 

Trong khuôn khổ sự kiện, Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương của NXB Văn học được xây dựng đã chính thức ra mắt nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết: Từ năm 2020 dự án Tủ sách sẽ chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh những tác phẩm đã có trước đó như cuốn “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi”, tủ sách mong muốn sẽ thu hút sự tham gia của nhiều tác giả, đặc biệt là những người đã từng sinh sống, chiến đấu, làm việc; những người có may mắn được đến tận nơi "mắt thấy, tai nghe" ghi lại cho bạn đọc hôm nay và thế hệ mai sau, về cuộc sống của chiến sĩ và người dân - những "cột mốc sống" của dân tộc trên biển.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.