Nhắc lại chuyện thiếu giáo viên ở một số địa phương, nhiều người ví chẳng khác gì chuyện “quýt làm, cam chịu”. Tại các diễn đàn của Quốc hội và các hội thảo, nhiều đại biểu không ít lần đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhằm bảo đảm đủ đội ngũ, phục vụ cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng GD.
Thiếu giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy cho GD. Không có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên, nhiều trường học, nhiều địa phương, phải thực hiện ký hợp đồng để bảo đảm đủ về số lượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập ở một số địa phương trong thời gian qua. Theo đó, nhiều địa phương đã cắt giảm và chấm dứt hợp đồng giáo viên một cách tùy tiện, khiến đội ngũ này rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”.
Còn có tình trạng, một số địa phương chạy theo chỉ tiêu cắt giảm biên chế nên đã “nhắm” vào ngành GD, mà ở đó đội ngũ giáo viên là đối tượng bị cắt giảm một cách tùy tiện và trở thành đối tượng “yếu thế”. Điều này đã tạo nên tâm lý lo lắng, hoang mang của đội ngũ nhà giáo trước nguy cơ có thể mất việc làm bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn nữa là nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy - học nói riêng và chất lượng GD nói chung.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phải lên tiếng, không cắt giảm giáo viên một cách cơ học và phải đảm bảo đủ giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy.
Ai cũng biết, gốc rễ của vấn đề không nằm ở ngành GD. Ngành GD rất lo lắng, sốt sắng cho việc này nhưng lại không có quyền tuyển dụng. Nói như ông Đặng Tư Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT): Sự phân quyền quản lý Nhà nước về GD tạo nên sự độc lập của chính quyền địa phương các cấp, không tạo được động lực cho phát triển mà lại là mảnh đất tốt cho những tiêu cực sẵn có như: Lợi ích nhóm trong GD có cơ hội phát triển. Đây là lý do mà nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong và ngoài ngành GD đề xuất nên thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên và giao quyền chủ động cho ngành GD và ngành GD phải là đầu mối của vấn đề này.
Lại nói đến chuyện, ngành GD đã không quyền lại còn không tiền, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi mà thực tế Nhà nước đầu tư hàng năm cho GD 20% ngân sách nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ có trách nhiệm điều hành khoảng trên 4% ngân sách đó. Số còn lại chủ yếu phân bổ cho các địa phương và các bộ ngành, khác.
Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đề xuất: Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đề xuất này đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với quan điểm này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải nhấn mạnh đây là “ít nhất”, còn nếu cao hơn được là rất tốt. Nên ghi rõ, hàng năm phải chi ít nhất 20% cho GD và phải bám sát vào Hiến pháp năm 2013 với quan điểm phát triển GD là quốc sách hàng đầu, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho GD.
Song vấn đề mà thực tiễn đặt ra là, trong số “ít nhất” 20% ngân sách đó, cũng cần có sự điều phối hợp lý, tránh để tình trạng ngành GD “không tiền, không quyền thì lực ở đâu?” và không để tái diễn tình trạng “quýt làm, cam chịu”.