Quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện

GD&TĐ - Ngày 8/8/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục (GD). Đánh giá Chỉ thị đã thể hiện tinh thần cầu thị rất cao của ngành GD cũng như quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, lãnh đạo ngành GD các địa phương, các nhà trường đồng thời thể hiện quyết tâm triển khai hiệu quả Chỉ thị này trong năm học mới.

Thầy và trò với tâm thế mới bước vào năm học. Ảnh Q.Trung
Thầy và trò với tâm thế mới bước vào năm học. Ảnh Q.Trung

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Đại biểu Quốc hội khóa XIV:

Định hướng tầm nhìn dài hạn

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Đại biểu Quốc hội khóa XIV 

Năm học 2018 - 2019 mang tính chất bản lề vì kết thúc giai đoạn đầu 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, là năm cuối để thực hiện “Chiến lược phát triển GD 2011 - 2020”, cũng là năm để hoàn thành các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp, Chỉ thị năm học 2018 - 2019 đã thể hiện quyết tâm của ngành GD trong việc tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị năm học 2019 - 2020 cơ bản cũng nhấn mạnh 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, nội dung của từng nhóm nhiệm vụ thể hiện sự tiếp nối các nhiệm vụ của năm học 2018 - 2019 và cụ thể hơn, có trọng tâm, phù hợp với thực tiễn và lộ trình triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK), GDPT đồng thời có định hướng tầm nhìn dài hạn.

Nội dung Chỉ thị thể hiện tinh thần cầu thị rất cao của ngành GD trong việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chỉnh phủ; ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, của Đại biểu Quốc hội; sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng, của công chức, viên chức ngành GD.

Năm học 2019 - 2020, ngành tập trung chỉ đạo việc đề xuất quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường và cơ chế chính sách để phát triển trường mầm non ở các địa bàn có khu công nghiệp, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ được chú trọng; quan tâm điều kiện tối thiểu nhất về đội ngũ để phát triển GD bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có học sinh (HS) thì ở đó phải có giáo viên’’; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS; GD dân tộc được được tập trung nâng cao chất lượng; việc dạy và học ngoại ngữ được cụ thể hóa thành từng nhiệm vụ; quan tâm chỉ đạo việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết bị đối với các tiêu chí trường chuẩn quốc gia đã xuống cấp; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 - 2019 và Chỉ thị năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Vĩnh Long sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2019 - 2020 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học. Xác định năm học 2019 - 2020 này là năm học mang tính chất quyết định nên ngành sẽ tập trung thực hiện tốt ba nhóm công việc trọng tâm:

Một là, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện tốt khâu truyền thông về GD, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) GD các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là việc đổi mới chương trình, SGK GDPT. Theo tôi, đây là công việc đặc biệt quan trọng, bởi thành công của việc thực hiện chương trình SGK, GDPT phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ, sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là phụ huynh HS.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng CNTT, đội ngũ để chuẩn bị tốt nhất cho bồi dưỡng, triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới với lớp một; đồng thời định hướng các nhiệm vụ mang tính chất dài hạn theo nội dung của Chỉ thị để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện.

Ba là, Sở tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để triển khai thực hiện các đề án của ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng đề án trong năm học 2019 - 2020 để cụ thể hóa lộ trình nâng cao chất lượng GD mầm non và thực hiện hiệu quả chương trình chương trình SGK, GDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập trong thời gian tới.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV:

Những vấn đề nêu trong Chỉ thị là trọng tâm, cấp bách

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
 PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

9 nhiệm vụ chủ yếu trong Chỉ thị năm học 2019 - 2020 là những vấn đề trọng tâm, cấp bách, cần phải tập trung xử lý ngay trong năm học này, đồng thời cần tiếp tục theo đuổi để thực hiện trong nhiều năm tiếp theo. Còn 5 nhóm giải pháp đi sâu giải quyết những vấn đề mấu chốt trong quản lý GD hiện nay như về cải cách hành chính; CBQL; quản lý và sử dụng nguồn lực hiệu quả; quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng; vấn đề truyền thông.

Đi sâu vào lĩnh vực GD ĐH thì 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trên đều cần phải được quán triệt và triển khai thực hiện trong từng cơ sở cũng như cả hệ thống các cơ sở GD ĐH. Đơn cử, một trong những bức xúc của xã hội hiện nay là bên cạnh các trường uy tín, được xã hội đánh giá cao, vẫn có cơ sở GD ĐH tồn tại “lay lắt”, hạ thấp đầu vào để vơ vét thí sinh, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tương lai thế hệ trẻ. Do đó, việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, cũng như rà soát lại năng lực đào tạo của từng ngành, lĩnh vực trong từng cơ sở là giải pháp quan trọng để sàng lọc cơ sở, ngành, lĩnh vực đào tạo yếu kém và tăng cường tập trung nguồn lực cho các cơ sở có điều kiện, tiềm lực phát triển tốt.

Ngoài ra, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ CBQL GD cũng rất cấp bách, nhất là trong cơ chế đổi mới quản lý GD ĐH theo tinh thần tự chủ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH. Vai trò quản trị của các nhà trường đòi hỏi đội ngũ CBQL phải có năng lực, không chỉ năng lực định hướng phát triển chuyên môn mà cả tạo dựng, thúc đẩy sự sáng tạo của người học, đội ngũ giảng viên; có cơ chế đánh giá đúng để sàng lọc đội ngũ và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân, thu hút người tài.

Những vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng như đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD; tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD; hội nhập quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định:

Đòi hỏi chiến lược dài hạn để thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT

Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định 

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị năm học 2019 - 2020 của Bộ GD&ĐT để thực hiện được đòi hỏi một chiến lược dài hạn, không phải một sớm, một chiều. Từ Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nam Định đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019 - 2020, về cơ bản vẫn chắt lọc trong 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp mà Chỉ thị của Bộ GD&ĐT đưa ra và dựa trên cả thực tế của địa phương.

Theo đó, năm học 2019 - 2020, ngành GD Nam Định sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường xanh – sạch – đẹp – an toàn; tăng cường công tác quản lý tài sản, tài chính, huy động các nguồn lực. Thứ 2: Nâng cao chất lượng GD các cấp học; trong đó lưu ý nâng cao chất lượng chuyên môn; chất lượng hoạt động, GD toàn diện và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý GD. Thứ 3: Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2020 tại Nam Định. Thứ 4: Hoàn thành và triển khai các đề án như: Hợp nhất Trường CĐSP với Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch; chuyển đổi Trường THPT Trần Hưng Đạo sang tự chủ kinh phí chi thường xuyên; phát triển GD mầm non giai đoạn 2018 - 2020; xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa GD.

5 nhóm giải pháp cơ bản của GD Nam Định năm học 2019 - 2020 là làm tốt công tác tham mưu; xây dựng đội ngũ giáo viên (GV), CBQL GD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, GD pháp luật; nâng cao chất lượng công tác khảo thí và kiểm định; tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Trong đó, công tác tham mưu có vai trò quan trọng số 1.

Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên:

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học

Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên
 Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên

Ngày 8/8/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành GD. Theo đó, năm học này ngành tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Từ Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, ngành GD-ĐT Hưng Yên sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Cụ thể: Tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở GD có quy mô nhỏ khối mầm non, phổ thông tại địa phương.

Thực hiện bồi dưỡng GV, CBQL GD trên toàn tỉnh triển khai Chương trình GDPT mới, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ GV dạy lớp 1; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai nhiệm vụ cho GV đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV. Thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ; nâng cao chất lượng công tác đánh giá GV gắn với thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng GD toàn diện, chú trọng hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, rèn kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề thực tiễn cho HS. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS. Chú trọng việc GD lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương gắn với việc phát triển du lịch của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ GV dạy ngoại ngữ.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD; tăng cường triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc....);

Tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép ngành GD-ĐT hợp tác với Sở GD&ĐT tỉnh Inchoen, Hàn Quốc để tập huấn cho GV các môn khoa học tự nhiên cấp THCS, THPT; tổ chức cho các trường phổ thông của tỉnh giao lưu, hợp tác với các trường phổ thông của Hàn Quốc.

Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường GD đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và CBQL GD; kết hợp với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn THCS Hồ Chí Minh trong việc GD, rèn luyện HS; xây dựng môi trường GD lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới, đặc biệt là lớp 1; triển khai có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GD mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.

Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra GD các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ sở GD. Tăng cường thanh tra quản lý Nhà nước về GD-ĐT, xử lý nghiêm các sai phạm, thông báo công khai trước công luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.