6 nội dung triển khai học kì II năm học 2021-2022
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuần qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận, trong học kì I năm học 2021-2022, các địa phương đã khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, linh hoạt, sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Để chuẩn bị tốt cho học kì II, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào 6 nội dung quan trọng, liên quan đến: bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất; công tác thanh tra, kiểm tra; và công tác quản lý giáo dục.
Nhấn mạnh trước hết đến an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng lưu ý không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, căng thẳng. Các nhà trường nỗ lực vận động học sinh ra lớp, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến; nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng cho rằng, triển khai chương trình mới trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh lại càng khó khăn, nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các nhà trường, địa phương. Nhắc lại những điểm mới của chương trình 2018, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý từng cơ sở giáo dục phải xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn; phải xây dựng phân phối chương trình và xếp thời khóa biểu không quy định “cứng” trong cả học kì mà linh động theo từng tuần, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với thực tiễn.
Một số nội dung khác xung quanh chương trình mới cũng được Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng yêu cầu địa phương quan tâm liên quan đến nội dung bồi dưỡng, đào tạo và tạo động lực cho đội ngũ. Theo đó, cần tập trung bồi dưỡng đại trà để không xảy ra trường hợp giáo viên chưa được bồi dưỡng đứng lớp. Quan tâm tới việc đào tạo, tổ chức các lớp để giáo viên có điều kiện được nâng chuẩn. Thầy cô cũng rất cần một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thân thiện, tạo được động lực để có thể làm việc hiệu quả nhất.
Về cơ sở vật chất, Thứ trưởng đề nghị địa phương dựa trên văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; không được để thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện phân bổ ngân sách cho giáo dục đúng theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022: dành 81% nguồn nhân sách phân bổ cho giáo dục để chi lương và các khoản theo lương; 19% là chi khác.
Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đổi mới quản lý theo công việc, tạo môi trường làm việc kỉ cương, trách nhiệm, sáng tạo.
Quyết tâm mở cửa trường học sớm và an toàn
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch một cách nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường bảo đảm an toàn. Quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.
Cùng đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cần thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Việc đi học của trẻ là rất quan trọng, không phải chỉ khi có dịch mà cả khi không có dịch. Trẻ ở nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường; không chỉ về văn hóa, kiến thức, mà tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến các nhân lực lao động (ông bà, cha mẹ chăm nuôi), từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là lâu dài, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc nhưng không phải cứng nhắc.
Hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quyết tâm mở cửa trường học an toàn, Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý: với trường học cần rất chi tiết, phải liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt và phải làm rất nghiêm túc.
Lưu ý một số vấn đề bảo đảm an toàn, Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh: Khi cho trẻ đến trường vẫn cần duy trì hình thức học trực tuyến, học trên truyền hình kết hợp; đây là việc lâu dài cho giáo dục, không phải chỉ trong phòng chống dịch bệnh. Nhấn mạnh điều này, Phó thủ tướng đồng thời lưu ý công tác truyền thông cần thường xuyên, liên tục, tạo đồng thuận trong xã hội.
Tìnhhình học sinh học trực tiếp tại trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán 2022, cập nhật đến ngày 16/2.
Theo báo cáo này, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang. Tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), trẻ mầm non chưa học trực tiếp.
Đối với cấp tiểu học: 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp. 4 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang; Hưng Yên chỉ tổ chức khối lớp 1; Vĩnh Long chỉ tổ chức cho khối lớp 5, lớp 6 học trực tiếp tại trường.
Cấp trung học cơ sở: 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Tiêng Hà Nội cho học sinh khối 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp. Tỉnh Vĩnh Long, học sinh khối 6 và 9 đi học trực tiếp.
Cấp trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp.
Với các cơ sở giáo dục đại học: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Đánh giá chung về tình hình triển khai cho học sinh học tập trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chủ trương kiên quyết mở cửa đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc cho học sinh đến trường cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Bộ đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc này qua theo dõi thực tiễn và kết quả kiểm tra thực tế tại một số địa phương (đã thực hiện kiểm tra tại 9 tỉnh/thành phố).
Hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học sẽ được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến về việc xử trí các trường hợp F0 và điều trị bệnh nhân Covid-19 là trẻ em, học sinh cho ngành Y tế và ngành Giáo dục trên toàn quốc (ngày 16/2/2022).