Bóng đen bao trùm cuộc sống con trẻ

GD&TĐ - Quỹ Nhi đồng Liên Hiêp Quốc (UNICEF) vừa công bố báo cáo mới về trẻ em trên toàn thế giới. Bên cạnh những tiến bộ mà trẻ em đang được hưởng thụ, ở nhiều nơi, nhiều trẻ vẫn thường xuyên phải chịu kỷ luật hà khắc, bạo lực và xâm hại ở trong gia đình, trường học và cộng đồng. 

 Bóng đen bao trùm cuộc sống con trẻ

Tình trạng trên phổ biến tới mức, các chuyên gia của UNICEF coi đây là một dữ liệu… đáng kinh ngạc.

Tổn thương từ nhà ra đường

Bạo lực, xâm hại với trẻ em là câu chuyện dường như kéo dài không hồi kết. Số liệu thống kê gần đây của UNICEF cho thấy, trẻ em, kể cả những trẻ chưa đầy 1 tuổi cũng bị bạo lực. Điều đáng buồn là người gây ra hành vi bạo lực trên chính là người được giao phó chăm sóc các em.

Ông Cornelius Williams, Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết: Tổn hại đối với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục. Trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em… Bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới.

Minh chứng cho lời nói trên, UNICEF đưa ra những dữ liệu mới nhất để cho thấy trẻ em đang bị bạo lực trong tất cả các giai đoạn ấu thơ và trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, 3/4 số trẻ em 2 - 4 tuổi trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu trẻ) chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà.

Tại 30 quốc gia có dữ liệu, khoảng 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần 1/4 trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1 trong 10 em bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu hoặc tai…

Bên cạnh việc phải chịu bạo lực tinh thần, thân thể, trẻ em toàn thế giới hàng ngày còn gánh chịu nhiều hành vi bạo lực tình dục. Trên toàn thế giới, khoảng 15 triệu trẻ em gái vị thành niên độ tuổi 15 - 19 từng bị ép quan hệ tình dục hoặc bị ép tham gia hành vi tình dục.

Ở Việt Nam dù đã có tiến bộ trong thay đổi quan niệm và thực hành chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng nhiều hình thức bạo lực đối với trẻ em như bạo lực thân thể, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động vẫn phổ biến.

Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi 1 - 14 cho biết đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường.

Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn ở trẻ tăng dần từng năm. Năm 2006, cả nước có 5,4% trẻ gái từ 15 - 19 tuổi kết hôn thì đến năm 2015 con số này ở mức 11%. Trong giai đoạn 2011 - 2015, có 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái, đã được báo cáo.

Làm gì để bảo vệ các em

Bạo lực trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hiện tại và cả tương lai của trẻ. Khi bạo lực xảy ra, mặc dù những vết bầm tím trên cơ thể của trẻ sẽ tan biến sau đó, nhưng những tổn thương trong tâm hồn, nội tâm của trẻ có thể vẫn còn mãi.

Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, hành vi bạo lực, bóc lột và xâm hại có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe về thể chất và tinh thần của trẻ cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Điều này sẽ hạn chế khả năng học tập và giao tiếp xã hội của trẻ, ảnh hưởng đến giai đoạn chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang độ tuổi trưởng thành với những hậu quả khôn lường về sau.

Tác động của bạo lực trẻ em có thể cản trở tăng trưởng kinh tế thông qua sự mất năng suất lao động, tàn phế và chất lượng cuộc sống suy giảm - tất cả đều có thể làm tụt hậu một quốc gia trong nỗ lực phát triển toàn diện. Những hậu quả này có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.

Hậu quả của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đã rõ ràng. Vấn đề là làm thế nào để đưa tình trạng trên về con số 0. Chia sẻ tại Diễn đàn trẻ em 2017, bà Yoshimi Nishino, Quyền đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, chỉ khi mọi người chúng ta cùng nhau trao đổi, chung tay giải quyết vấn đề này thì vòng luẩn quẩn bạo lực lên thế hệ này mới có thể bị phá vỡ.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, trước hết cần được xem xét, giải quyết trong các kế hoạch, chương trình tổng thể về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em.

Ở nước ta, Luật Trẻ em đã có nhưng cần nỗ lực hơn nữa trong việc kết nối với tất cả các cá nhân và tổ chức, các bên có liên quan trong xã hội và cả cộng đồng để thúc đẩy các hành động tôn trọng quyền trẻ em, xóa bỏ tập tục lạc hậu, thúc đẩy giáo dục và các giải pháp bền vững để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực, xâm hại với trẻ em.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với gia đình, cha mẹ để giúp họ hiểu được sự phát triển sớm của con trẻ, thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái và sử dụng phương pháp giáo dục, kỷ luật tích cực.

Và quan trọng hơn cả là giải quyết vấn đề của trẻ em thì phải coi các em là trung tâm. Cần trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để các em có thể đối phó với các rủi ro và thách thức mà không cần sử dụng bạo lực, làm sao để các em có có thể tìm kiếm hỗ trợ thích hợp khi xảy ra bạo lực hay xâm hại.

- Trên toàn cầu, cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực.

- Khoảng 15 triệu trẻ em gái vị thành niên độ tuổi 15 - 19 từng bị ép quan hệ tình dục hoặc bị ép tham gia hành vi tình dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.