Quyết liệt đổi mới giáo dục là nhiệm vụ cấp thiết lúc này

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại TPHCM ngày 6 - 7/1.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu, triển khai công cuộc đổi mới nền giáo dục
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu, triển khai công cuộc đổi mới nền giáo dục
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, vấn đề cốt lõi của việc thay đổi căn bản toàn diện giáo dục là chuyển từ nền giáo chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Để thực hiện điều đó, chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ có sự thay đổi với nguyên tắc: Tích hợp cao ở cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở cấp học trên; việc thiết kế chương trình sẽ giúp hình thành và phát triển năng lực người học, phát triển hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

"Nếu ở tiểu học lên đến THCS thì các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa… sẽ tích hợp lại có thể là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên…, còn lên đến THPT sẽ phân hóa mạnh nhưng sẽ kết hợp với tự chọn - không bắt học sinh học tất cả mà để học sinh lựa chọn theo năng lực, sở thích. Đây là điều chúng ta cần hướng đến khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết: Song song những giải pháp mang tính chiến lược, quyết liệt, ngành GD&ĐT các địa phương cũng cần thực hiện những giải pháp đồng bộ như tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó người thầy không chỉ là người cung cấp, truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn cho học sinh tìm tòi, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đặc biệt chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc từng vùng là điều cần hướng tới để có một sự chuyển dịch và thay đổi toàn diện.

Đột phá trong khâu thi cử, đổi mới suy nghĩ, cách làm

Trong hàng loạt chiến lược, kế hoạch và các giải pháp quyết liệt để đổi mới toàn diện nền giáo dục, Bộ trưởng cho rằng công tác đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục được chọn là khâu đột phá để đổi mới giáo dục. Đổi mới thi cử theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng kiến thức, năng lực học sinh.

Giải pháp này dễ thực hiện và ít tốn kém, tác động trở lại tới toàn bộ quá trình dạy học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: "Đổi mới thi cử là một khâu đột phá, xung yếu lan tỏa sang những lĩnh vực, bộ phận khác, từng bước chuyển biến, thay đổi cả hệ thống và dẫn đến thay đổi căn bản”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị ngành Giáo dục cần vượt qua khó khăn lớn nhất là suy nghĩ, cách làm cũ đã tồn tại từ lâu để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được thành công. Ngành Giáo dục cần có kế hoạch thực hiện khoa học, thực tế, sáng tạo, được sự ủng hộ của chính quyền, đoàn thể và nhân dân để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Chương trình, SGK phổ thông mới được thiết kế phát triển hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề.
Chương trình, SGK phổ thông mới được thiết kế phát triển hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

Trí tuệ tập thể cho đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục ĐH

Đáp ứng lại lời kêu gọi đổi mới nền giáo dục, đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục nước nhà của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sáng 7/1, Hội đồng Lý luận Trung ương và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI". Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đánh dấu bước phát triển mới đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT nước nhà, việc vận dụng tinh thần của Nghị quyết vào đổi mới giáo dục đại học cần thực hiện ngay.

GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - phát biểu: Giáo dục đại học cần thực hiện những bước chuyển đổi từ quá trình chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ phát triển chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả với số lượng hợp lý; từ giáo dục còn khép kín, cứng nhắc, biệt lập sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông.

Để làm được điều đó, GS Phùng Hữu Phú cho rằng giáo dục đại học cần phải giải quyết căn bản 3 vấn đề chính: Thứ nhất từng bước khắc phục tình trạng khép kín của cả hệ thống, của từng cơ sở đào tạo, hình thành cơ chế mở trong từng trường, trong toàn hệ thống, mở giữa hệ thống giáo dục đại học với đời sống xã hội, cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, mềm hóa, linh hoạt hóa quá trình tổ chức và phương thức vận hành giáo dục đại học.

Thứ ba, khẩn trương xóa bỏ tình trạng chia cắt, biệt lập về chương trình, nội dung đào tạo trong từng trường, giữa từng trường trên lĩnh vực, trên từng địa bàn và trong toàn hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội thì nhấn mạnh: Việc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội của các cơ sở giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo ra đột phá về chất lượng giáo dục.

Tự chủ đại học là xu thế phổ biến trên thế giới, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học, giúp giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh với các trường đại học trên thế giới.

Để thực hiện thành công tự chủ đại học, theo PGS Nguyễn Quý Thanh, cần triển khai những giải pháp đồng bộ như: Xây dựng chương trình hành động cấp Chính phủ qua Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia. Khi cơ quan này được thành lập thực hiện tự chủ đại học, giám sát việc thực hiện tự chủ đại học.

Giải pháp nữa liên quan tái cấu trúc hệ thống đại học, thực hiện phân tầng đại học theo hoạch định để đầu tư theo sứ mạng, mục tiêu mà các trường đại học đã được xác định.

1 trong 6 chương trình đột phá của TP HCM

Đề cập vai trò của giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: TPHCM quyết tâm đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học trên địa bàn.

Ông nói: “Nghị quyết T.Ư 8 khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã chỉ rõ chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây là một băn khoăn, trăn trở và áp lực với thành phố trong quá trình phát triển.

Từ thực tiễn đó, Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TP HCM đã đặt ra 6 chương trình đột phá mà chương trình hàng đầu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặt ra yêu cầu đối với các trường đại học, cao đẳng coi giáo dục đào tạo của các trường là mũi đột phá đầu tiên nhằm xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Với nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, TPHCM sẽ cùng với các Bộ, Ngành trung ương, cùng với các trường làm hết sức mình để Nghị quyết sớm đi vào thực tế, để có những kết quả thực tế, tạo nên diễn biến tích cực của giáo dục đại học tại TP HCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ