Quyền lợi người tiêu dùng: Vẫn chưa được coi trọng

GD&TĐ - Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) có từ năm 2011, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) cũng đã có cơ sở ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã mở đường dây nóng tiếp nhận thông tin để có giải pháp xử lý, hỗ trợ NTD kịp thời... 

Quyền lợi người tiêu dùng: Vẫn chưa được coi trọng

Tuy nhiên, vai trò, ảnh hưởng và hiệu quả của luật pháp cũng như các công cụ này chưa rõ ràng, thậm chí mờ nhạt trong yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi NTD...

Quyền lợi NTD bị xâm hại trên diện rộng

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay số lượng các yêu cầu tư vấn, phản ánh vi phạm quyền lợi NTD nhiều nhất. Bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của NTD qua tổng đài, từ đầu năm đến nay Cục này còn tiếp nhận và xử lý 112 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của NTD.

Ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (có 52 trường hợp, chiếm khoảng 19%). Tiếp đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp, chiếm 15,8%) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp, chiếm 14%). Đây là năm thứ hai liên tiếp 3 nhóm ngành hàng nêu trên thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Trong số các vụ việc phản ánh, có 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%) và các hành vi khác (21%).

Được biết, đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý thành công và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý thành công 105 vụ việc trong tổng số 112 vụ việc tiếp nhận qua tổng đài (chiếm khoảng 93,7%); 7 vụ việc khiếu nại còn lại hiện đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và NTD để giải quyết.

Cũng theo thống kê, Hà Nội và TP HCM tiếp tục là 2 địa phương có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi NTD với mức tương ứng là 70 và 75 vụ việc. Tiếp đó, các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều là Đồng Nai và Nghệ An. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, TP khác nhưng số lượng tại từng địa phương là rất nhỏ.

Hệ thống pháp lý vẫn còn nhiều bất cập

Theo các chuyên gia, hiện quyền lợi NTD vẫn đang bị xâm phạm nghiêm trọng, ở nhiều ngành hàng, nhiều loại hình kinh doanh khác nhau. Trong khi đó, công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả, nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa nghiêm; chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD, chỉ khi quyền lợi NTD bị xâm hại thì lúc đó cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc xử lý.

Không chỉ vậy, mạng lưới hội viên các Hội Bảo vệ quyền lợi NTD còn quá mỏng, chưa phát triển được nhiều hội viên, cộng tác viên tuyên truyền. Kinh phí dành cho hoạt động này ít cũng là nguyên nhân khiến việc NTD gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, việc thực thi luật chưa hiệu quả còn có một nguyên nhân khác là NTD rất ngại khiếu kiện do tâm lý ngại va chạm, có rất ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Theo đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD còn ít. Hệ quả là NTD khi bị vi phạm nhưng lại không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu...

Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tạo được sự nghiêm minh. Theo đó, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Nên bắt buộc các tổ chức cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD, các cơ quan quản lý cần tính đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về vi phạm quyền lợi NTD, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến. Bên cạnh đó, cần áp dụng quy trình tiên tiến vào cơ chế giải quyết khiếu nại để những người nghèo, vùng sâu, vùng xa yếu thế hơn có thể tiếp cận...

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ghi rõ, NTD có rất nhiều quyền, nhưng thực tế không dễ thực hiện bởi họ phải vượt qua rất nhiều thủ tục phiền toái; quy trình kiện tụng phức tạp, kéo dài; chứng minh thiệt hại nhiêu khê. Bởi theo tập quán xã hội từ xưa đến nay của Việt Nam, khi người mua hàng không yêu cầu và người bán hàng không cung cấp hóa đơn, chứng từ, trong khi đó, đây lại là chứng cứ chủ yếu để được bồi thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ