10 địa phương có tỉ lệ học sinh vào đại học cao nhất nước

GD&TĐ - Năm 2022, Bình Dương là địa phương có tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển nhập học vào các cơ sở đào tạo cao nhất, với 67,24%. 

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Sáng 3/3, tại Hội nghị tuyển sinh đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo về kết quả công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022, triển khai công tác tuyển sinh năm 2023.

Mặt bằng chung tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học đại học. Cả nước có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên.

5 địa phương có tỷ lệ vào đại học cao nhất, lần lượt là Bình Dương (67,42%), Thừa Thiên Huế (62,57%), Đà Nẵng (61,88%), Khánh Hòa (60,76%), TP Hồ Chí Minh (60,74%).

Trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu danh sách không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Trong top 10 địa phương dẫn đầu còn có Hải Phòng (58,25%), Phú Yên (57,10%), Hà Nội (56,81%), Bắc Ninh (56,12%), Hưng Yên (56,02%).

10 địa phương thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc, gồm: Quảng Bình (30,72%), Yên Bái (29,36%), Tuyên Quang (28,8%), Hòa Bình (28,54%), Điện Biên (27,46%), Cao Bằng (24,92%), Lạng Sơn (24,87%), Sơn La (23,66%), Hà Giang (21,53%) và Lai Châu (20,39%).

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.

Điểm mới năm nay, lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17h ngày 15/8.

Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.

Từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 26/7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30/8.

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 20/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn hai tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn một tháng so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.

Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Các cơ sở đào tạo có thể loại bỏ những phương thức không cần thiết. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.