Quy tắc làm nên bản sắc
Từ những quy định chung theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT được các nhà trường linh hoạt áp dụng, bổ sung thêm những nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương, của đơn vị mình. Tất cả nhằm tạo nên bộ quy tắc ứng xử mang bản sắc riêng,
Cô Nguyễn Thị Hà, Đại biểu Quốc hội, giáo viên trường THPT Lương Tài, huyện Lương Tài, Bắc Ninh chia sẻ: Bộ quy tắc ứng xử có thể xây dựng những quy định phù hợp với mọi đối tượng học sinh, nhà giáo dục ở các trường khác nhau. Tuy nhiên, mục đích đầu tiên của việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục là điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Vì vậy, để Bộ quy tắc ứng xử dễ đi vào thực tiễn, các nhà trường nên xây dựng Bộ quy tắc dựa trên sự phù hợp với phong tục tập quán văn hóa của địa phương.
Cô Hà cũng cho biết: Bộ quy tắc quy định rõ về mối quan hệ của từng đối tượng trong nhà trường. Cụ thể:
Đối với bạn học, học sinh cần tôn trọng bạn bè, biết chia sẻ, động viên, giúp đỡ bạn bè vươn lên trong học tập và rèn luyện; không được bao che khuyết điểm cho bạn; không được có những hành động phân biệt đối xử, vu khống, nói xấu bạn bè; giữ gìn mối quan hệ bình đẳng, trong sáng với bạn bè khác giới.
Đối với đồng nghiệp, giáo viên cần có ngôn ngữ đúng mực, hợp tác, thân thiện, tôn trọng sự khác biệt; không xúc phạm gây mất đoàn kết, né tránh trách nhiệm.
Trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giáo viên cần có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học.
Ngoài ra, tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Tăng cường phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội
Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lói sống văn hoá cho học sinh, bên cạnh vai trò chủ đạo của nhà trường, rất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của gia đình và xã hội.
Theo Ông Nguyễn Duy Ngọc Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, để tăng cường vai trò phối hợp này cần có những hành động cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị… xác định rõ trách nhiệm liên quan đến từng môi trường giáo dục.
Cùng đó, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện như: chú trọng công tác quản lý và giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho HSSV… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học... Xây dựng và thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các địa phương xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn hoá…
Ông Nguyễn Duy Ngọc cho rằng: Để công tác giáo dục nếp sống văn hoá cho học sinh đạt hiệu quả, phụ huynh cần trở thành gương tốt cho con, cháu học tập; có trách nhiệm thường xuyên phối hợp tốt với GV chủ nhiệm - nhà trường để kịp thời nắm bắt các thông tin, trong công tác quản lý việc học tập, chăm lo giáo dục rèn luyện đạo đức của con em mình. Xây dựng gia đình văn hóa để tạo môi trường tốt trong giáo dục, hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.
Đối với các lực lượng xã hội: Cần chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, nhân dân khối phố, công an khu vực và chính quyền địa phương nơi trường đóng.
Như thông qua các văn bản nhà trường trao đổi phối hợp để triển khai kế hoạch tại chính quyền địa phương trong công tác GD đạo đức học sinh trên địa bàn hoặc tham mưu đưa GD đạo đức vào tiêu chí xây dựng, bình chọn các danh hiệu của địa phương… - tạo được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng ngoài nhà trường thành quá trình khép kín trong công tác GD đạo đức học sinh.
“Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh chỉ đạt kết quả tốt khi nó có sự tác động đồng thời của các lực lượng giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội. Giáo dục đạo đức là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, liên tục và thường xuyên. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh là đòi hỏi cấp bách của xã hội để xây dựng hoàn thiện những giá trị cơ bản của con người Việt Nam thời kỳ hội nhập” - ông Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.