Quy tắc ứng xử cho sinh viên sao cho thấu tình đạt lý

GD&TĐ - Đầu năm học, nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra các quy định về quy tắc ứng xử, nội quy dành cho sinh viên.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

Điều đáng bàn là làm sao cho các quy tắc vừa góp phần xây dựng học đường lành mạnh, văn minh, vừa không để sinh viên cảm thấy gò bó, cứng nhắc.

Quy tắc để ứng xử văn minh

Giữa tháng 8/2023, Trường Đại học Công Thương TPHCM ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc áp dụng cho cả cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường và sinh viên, học viên. Trong đó, nhà trường đặt ra 5 nguyên tắc ứng xử chung khi sử dụng mạng xã hội: Tôn trọng pháp luật; hành vi, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống; an toàn, bảo mật thông tin; chịu trách nhiệm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hành vi tiêu cực.

Nếu những nguyên tắc, quy định của nhà trường làm mình mệt mỏi, áp lực thì nên trao đổi, chia sẻ để lãnh đạo nhà trường xem xét, giảng viên cân nhắc điều chỉnh hợp lý hơn. Tránh dùng mạng xã hội đả kích, chê bai hay tố cáo. Đó là những việc làm chỉ gây tổn thương cho người khác, cho mình và làm cho hình ảnh của ngôi trường mình học trở nên xấu hơn. - TS Nguyễn Hữu Long

Nhà trường cũng đặt ra 5 hành vi bị cấm khi sử dụng mạng xã hội. Trong đó, nhấn mạnh cấm những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; những thông tin phân biệt vùng miền, xúc phạm văn hóa vùng miền gây chia rẽ, mất đoàn kết trong dân tộc.

Cán bộ, giảng viên, người học không được làm nhục, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội; cấm hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giúp cán bộ, giảng viên và người học của nhà trường ứng xử một cách đúng pháp luật, văn minh trên không gian mạng. Việc này cũng tăng cường trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thuộc trường trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục khi sử dụng mạng xã hội.

Cùng với bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng ban hành quy chế công tác sinh viên; quy định hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng của nhà trường. Tất cả nhằm mục đích xây dựng môi trường giáo dục văn minh, nhân ái, hợp tác, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận được sự phản hồi tích cực của cộng đồng giảng viên và người học. Nguyễn Đức Nam, tân sinh viên nhà trường cho rằng, hiện nay mạng xã hội ở Việt Nam rất phát triển với hàng loạt ứng dụng Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… Hầu như sinh viên nào cũng sở hữu ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội, nhiều nhất là Facebook.

“Em và các bạn tân sinh viên vừa rời môi trường phổ thông, phải tự lập nên còn nhiều bỡ ngỡ. Khi nhà trường đưa ra quy tắc ứng xử này, chúng em có thể dựa vào đó để biết làm gì đúng, làm gì sai trên mạng xã hội, tránh việc vi phạm”, Đức Nam chia sẻ.

Tương tự như Trường Đại học Công Thương TPHCM, chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã ban hành quy chế công tác sinh viên, quy tắc ứng xử của sinh viên, nội quy nhà trường… phổ biến đến người học. Hầu hết quy định, quy chế của các trường đều bám sát Thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT về quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy hoặc Thông tư số 17/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, cao đẳng.

Có trường ban hành quy chế công tác sinh viên mới như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM); cũng có trường sử dụng các quy chế, nội quy đã ban hành những năm trước đó như Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sài Gòn…

Hoạt động thiện nguyện của sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Hoạt động thiện nguyện của sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Đoàn trường và Hội Sinh viên còn tóm tắt quy tắc ứng xử gồm 7 điều để sinh viên dễ dàng ghi nhớ, thực hiện, như: Đi học đúng giờ, trang phục lịch sự, đeo thẻ sinh viên; gửi xe đúng nơi quy định; lễ phép, kính trọng thầy cô; chấp hành luật giao thông, văn hóa xếp hàng…

TS Nguyễn Hữu Long, Giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, việc trường đại học đặt ra các bộ quy tắc ứng xử, nội quy nhà trường là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Gần đây, nhiều biểu hiện cho thấy sự xuống cấp của những giá trị tinh thần và nếp sống văn hóa, sự sa sút của văn hóa giao tiếp trong đời sống xã hội.

“Nhiều hiện tượng tiêu cực liên tiếp xảy ra làm xôn xao dư luận. Nhiều điều tai nghe mắt thấy hàng ngày trên đường phố, trong gia đình, trong lớp học trở thành nỗi day dứt của nhiều người, nhiều thế hệ. Làm thế nào để xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện, văn minh trong chính mỗi gia đình, mỗi mái trường, mỗi tổ chức và toàn xã hội mỗi ngày một tốt hơn trong mối quan hệ giữa những con người với nhau và tốt hơn trong chính nội tâm của mỗi người”, TS Nguyễn Hữu Long đặt vấn đề.

Theo chuyên gia này, trường đại học, cao đẳng là môi trường giao tiếp giữa những con người đã trưởng thành về mặt xã hội trong một mối “quan hệ đặc biệt”. Vì thế, một mặt cần phải có các nguyên tắc giao tiếp được đặt ra giữa những người trưởng thành; mặt khác cần phải có các nguyên tắc, quy định giao tiếp trong môi trường giáo dục.

Bên cạnh sự đồng thuận với các quy tắc ứng xử, nội quy, trên diễn đàn sinh viên một số trường, nhiều em cho rằng một số nội quy của trường mình khá “cứng nhắc”, “khó hiểu”. Trước khi chọn xét tuyển vào Trường Đại học Tài chính - Marketing, N.T.V. được một người chị khóa trên kể về việc trường từng quy định trong nội quy: Sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, nữ thì váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu. Cách đây 5 năm, quy định này khiến nhiều sinh viên nhà trường cho rằng quá “khắt khe”.

“Em cũng tìm trên web của trường và vẫn thấy bảng nội quy học đường với nội dung này. Em thấy như vậy là hơi gò bó, chỉ cần quy định ăn mặc lịch sự, kín đáo là được”, N.T.V. chia sẻ. Ở một số trường đại học, sinh viên được yêu cầu phải mặc đồng phục khi đến trường hoặc những quy định “mơ hồ” như trang phục có màu sắc trang nhã phù hợp với hình thể, trẻ trung, năng động…

Theo ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, quy tắc ứng xử, nội quy nhà trường áp dụng chung cho giảng viên, người học toàn trường nên phải đảm bảo phù hợp với pháp luật, truyền thống đất nước. Chẳng hạn, nhà trường quy định ăn mặc lịch sự tức là sinh viên được quyền tự do chọn trang phục nhưng không được hở hang, phản cảm.

“Một bộ phận sinh viên nghĩ rằng, khi đã vào đại học, được tự do là muốn làm gì cũng được. Quan niệm này là không đúng. Cũng bởi vậy mà một số em vẫn còn chửi thề, nói tục trong trường, nghỉ học không xin phép… Sinh viên được tự do nhưng phải ở trong khuôn khổ”, ông Phạm Thái Sơn nói.

Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE

Cần linh hoạt, thấu tình đạt lý

TS Nguyễn Hữu Long cho rằng, trong việc đặt ra các quy tắc, nội quy, cần phải phân biệt đâu là điều bắt buộc (phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức, truyền thống) và đâu là quyền tự do của mỗi cá nhân. Ông chỉ ra 4 nguyên tắc chính để xây dựng quy tắc ứng xử.

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận giữa những điều nhà trường muốn và những đề xuất từ phía sinh viên. Vì thế, trước khi ban hành bộ quy tắc ứng xử hay các quy định học đường, nhà trường cần lấy ý kiến và thảo luận với sinh viên bởi các em là người sẽ thực hiện nó, là người liên quan trực tiếp nên việc làm này vừa giúp sinh viên nhận thức tốt hơn vừa làm cho các em cảm thấy được tôn trọng, nên sẽ thoải mái khi thực hiện hơn.

Thứ hai, phải đảm bảo đúng những quy định của pháp luật với những quy định những thứ thuộc về quyền con người. Nhà trường cần hạn chế đưa ra những quy định trái với pháp luật, trái với quyền con người.

Thứ ba, quy tắc ứng xử là vừa phải tạo ra nền nếp, kỷ cương nhưng phải đảm bảo sự thoải mái, không áp lực. Nội quy, quy định làm cho con người, môi trường sống tốt hơn nhưng cũng rất dễ gây ra những ức chế. Nhiều người thực hiện cảm thấy bị can thiệp vào cuộc sống, nặng hơn là bị xâm hại đến quyền lợi.

Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc về tính linh hoạt trong quá trình thực hiện, bởi xử lý một vấn đề phải tùy thuộc vào tình hình thực tế, chủ thể của vấn đề. Làm được điều này vừa đảm bảo kỷ cương nhưng lại vừa đảm bảo nguyên tắc “thấu tình đạt lý”.

Theo TS Nguyễn Hữu Long, sinh viên là người trưởng thành theo quy định của pháp luật. Vì thế, việc các em thể hiện, cư xử thế nào để được người khác xem là trưởng thành mới là vấn đề cần để các bạn thực hiện. Trước hết, sinh viên phải biết chấp nhận gạt bỏ cái tôi, tức sở thích, mong muốn của cá nhân, nếu nó chỉ là của riêng mình để nhường cho lợi ích tập thể, cộng đồng.

Cùng quan điểm trên, song TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho rằng, cần kết hợp việc ban hành, giám sát thực hiện quy tắc ứng xử với sự nêu gương, yêu thương từ thầy cô. Theo ông, dù bước vào độ tuổi trưởng thành nhưng sinh viên vẫn là những người non nớt kinh nghiệm, kỹ năng sống. Việc họ vấp phải lỗi lầm, vi phạm nguyên tắc, nội dung cũng là điều có thể cảm thông.

“Thầy cô cần quan tâm tới các em, noi gương cho các em, đồng thời chỉ bảo, uốn nắn nếu các em sai phạm. Có được điều này thì các quy tắc, nội quy mới phát huy hiệu quả thực sự”, TS Đặng Văn Sáng nêu quan điểm.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, quy tắc ứng xử nhà trường yêu cầu sinh viên phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức; tham gia đầy đủ các chương trình giáo dục của trường, đặc biệt là các nội dung về giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục pháp luật.

Sinh viên cũng cần giữ mối liên hệ, trao đổi thông tin thường xuyên với gia đình, thầy, cô giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị chức năng trong nhà trường để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi gặp phải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.