Quy hoạch nhân lực phục vụ sự phát triển của địa phương

Quy hoạch nhân lực phục vụ sự phát triển của địa phương

(GD&TĐ) - Ngày 7/12, tại T.P Thái Nguyên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020.

Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục dạy nghề, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở Kế hoạch & Đầu tư 14 tỉnh miền núi phía Bắc, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

14 tỉnh miền núi phía Bắc : Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

Theo thống kê, vùng trung du miền núi phía Bắc có khoảng hơn 11 triệu người (chiếm 13% dân số của cả nước), trong đó có 6,1 triệu người trong độ tuổi lao động; tỷ lệ lao động có kỹ thuật thấp, nhất là công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế (năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ sơ cấp trở lên mới đạt 18%). Công tác dạy nghề chưa phát triển và chậm được mở rộng, nhiều tỉnh mới có 1 trường trung cấp nghề với quy mô nhỏ, nhiều huyện không có trung tâm dạy nghề…

Lớp đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, Internet do Quỹ Bill & Melinda Gate tài trợ tại Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Đ.H
Lớp đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, Internet do Quỹ Bill & Melinda Gate tài trợ tại Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Đ.H

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá năng lực đào tạo và mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tại khu vực còn rất hạn chế, theo đó toàn khu vực có 45 trường đại học, cao đẳng với 127.560 sinh viên chính quy, nhưng chủ yếu năng lực đào tạo do Đại học Thái Nguyên đóng vai trò nòng cốt. Đội ngũ giảng viên chất lượng cao cũng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại trường Đại học Thái Nguyên (chiếm tới 70% số GS, PGS toàn vùng).

Từ những bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị, từ nay đến 2020, toàn khu vực miền núi phía Bắc cần thành lập thêm một số trường Đại học, cao đẳng chuyên đào tạo ngành nông lâm, xây dựng dân dụng, thủy lợi, y dược, tài chính, ngân hàng... Phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường dạy nghề, mỗi huyện có 1 trung tâm dạy nghề. Đảm bảo quy mô đào tạo tăng 25%/năm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các tỉnh cần bổ sung số liệu vào quy hoạch phát triển nhân lực của mình cụ thể, rõ ràng như: Xây dựng biểu đồ hình tròn về cơ cấu GDP, về trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của từng địa phương, vùng và cả nước trong từng giai đoạn để thấy được mức chuyển dịch của tỉnh mình so với vùng và cả nước.

Phó Thủ tướng khẳng định: Vai trò của quy hoạch nhân lực là vì sự phát triển của địa phương. Do đó, cần có sự đột phá về xây dựng thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng… Điều này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, địa phương, nhà trường, người học và người sử dụng lao động. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong xây dựng đề án quy hoạch phát triển nhân lực cần quan tâm đến nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam; xây dựng quy hoạch cung - cầu, có chiến lược giáo dục và phát triển gia đình Việt Nam bền vững.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra công tác xây dựng nhà ở cho sinh viên tại Đại học Thái Nguyên. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng như Đại học Thái Nguyên trong việc chuẩn bị mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi theo kế hoạch đề ra, bảo đảm môi trường ăn ở tốt nhất cho sinh viên chuyên tâm học tập.

Kiên Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ