Đất cho người chết, nhiều năm nay vẫn là vấn đề bức xúc của TP Hà Nội. Xu hướng hỏa táng, dù có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp so với TPHCM, hay các đô thị khác khiến cho vấn đề môi trường luôn nan giải khi xây mới nghĩa trang.
Cũng vì tính cấp thiết của vấn đề, trong một lần thị sát tình hình tại một địa phương của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phải lên tiếng với báo chí: “Nếu triển khai chậm, người dân Hà Nội khi qua đời sẽ không có chỗ để chôn”. Quy hoạch đô thị đã là khó, đô thị cho người âm, theo các nhà quy hoạch, khó gấp nhiều lần.
Vào ngày 11/12, bài toán khó của Hà Nội đã có lời giải, với việc công bố Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phải dành 1.247 ha đất để xây dựng nghĩa trang. 6 nghĩa trang hiện hết khả năng mở rộng sẽ phải đóng cửa là Mai Dịch, Sài Đồng, Văn Điển, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Yên Kỳ 1. Trong khi đó 4 nghĩa trang tập trung sẽ được mở rộng là Thanh Tước, Yên Kỳ 2, Vĩnh Hằng và Sơn Tây.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây mới một nghĩa trang cấp Quốc gia ở Thạch Thất, xây mới 6 nghĩa trang tập trung cấp thành phố và 11 nghĩa trang cấp huyện để phục vụ nhu cầu táng của người dân.
Theo tính toán, nguồn kinh phí dự kiến cho việc thực hiện quy hoạch nghĩa trang thủ đô đến năm 2050 sẽ là 30.000 tỷ đồng. Quy hoạch này kỳ vọng chấm dứt được tình trạng chôn cất phân tán, tự phát vốn tồn tại quá lâu ở Hà Nội.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi video dưới đây: