Quy hoạch cần đồng bộ, logic để tránh chồng chéo

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (sáng 28/6), ĐBQH đề nghị lập quy hoạch cần logic, đồng bộ, tránh chồng chéo.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau.

Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc xây dựng Luật này cũng là cơ hội nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn, để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Đại biểu chỉ ra rằng, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

Nêu dẫn chứng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, theo dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh.

Tuy nhiên, sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng. Phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên? Hoặc là, đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ;

Quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo… Hiện, xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, dự án Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái).

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái).

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, khoản 2 Điều 10 quy định về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, gồm: Chi đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và kinh phí do tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trong khi đó, tại điểm d khoản 4 của Điều này lại quy định, kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực giao đầu tư.

Như vậy, nguồn kinh phí này không nằm trong 3 nguồn kinh phí đã được quy định tại khoản 2. Do đó, đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 2 về kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ