Tôi làm giáo viên THPT với mã ngạch V07.05.15 được 8 năm 2 tháng (đã có bằng thạc sĩ năm 2013). Tôi xin nghỉ việc vào tháng 12/2019, chưa rút BHXH một lần, bậc lương đến tháng 12/2019 là bậc 3, hệ số 3,0.
Sau đó, tôi thi tuyển vào viên chức giáo viên THCS ở một tỉnh khác, được bổ nhiệm là giáo viên THCS hạng II, mã ngạch V07.04.11, xếp lương bậc 2, hệ số 2.67, không thực hiện chế độ tập sự. Xin hỏi, việc xếp lương hiện tại của tôi có hợp lý không? Thời gian đóng BHXH của tôi có được tính làm căn cứ xếp lương không? (vuduy***@gmail.com)
* Trả lời:
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức: “Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận”.
Theo đó, tại thời điểm được tuyển dụng, nếu thời gian công tác 8 năm 2 tháng trước đó của bạn tại vị trí việc làm giáo viên THPT hạng III được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là phù hợp với vị trí việc làm giáo viên THCS hạng II (cả hai vị trí đều yêu cầu trình độ đào tạo là đại học) thì được tính để làm căn cứ xếp lương.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com