Một trong những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025 liên quan đến sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bày tỏ đồng tình, các nhà giáo đồng thời lưu ý thí sinh trước điểm mới này.
Công bằng trong xét tốt nghiệp
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho kỳ thi năm 2025, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 khi xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
“Tôi ủng hộ điều này, vì như vậy nhiều học sinh, nhất là học trò miền núi sẽ tiết kiệm tiền bạc, thời gian ôn thi IELTS, tập trung cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT”, nêu quan điểm dựa trên thực trạng vùng miền, cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên Trường THPT Kim Bôi (Hòa Bình) cũng cho rằng, những học sinh có trình độ tiếng Anh khá tốt, mục đích rõ ràng và điều kiện nên cố gắng luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ nói chung, IELTS nói riêng.
Quy định miễn thi với chứng chỉ ngoại ngữ như trước đây khiến nhiều học sinh, phụ huynh cố dồn lực cho con ôn thi IELTS, ảnh hưởng đến các môn học khác. Tuy nhiên, không phải học sinh nào ôn thi chứng chỉ này cũng đạt hiệu quả. Nhiều em còn yếu kiến thức cơ bản, chưa đáp ứng tốt các bài trong sách giáo khoa nhưng cũng cố ôn thi IELTS gây mất thời gian và lãng phí.
Cô Phan Kim Phượng - Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận định, chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp, nhưng không được quy đổi thành điểm 10 là bước cải tiến quan trọng, hợp lý, vì các lý do.
Thứ nhất: Tăng tính công bằng trong xét tốt nghiệp. Trước đây, việc quy đổi tất cả chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức tối thiểu (ví dụ IELTS 4.0) thành điểm 10 gây ra bất cập. Điều này không phản ánh đúng năng lực ngôn ngữ của học sinh, đặc biệt khi chênh lệch trình độ giữa các mức chứng chỉ là rất lớn.
Thứ hai: Khuyến khích học tập thực chất. Quy chế mới yêu cầu học sinh không chỉ đạt chứng chỉ ngoại ngữ mà còn phải đạt trình độ ngôn ngữ tương ứng; điều này thúc đẩy học sinh đầu tư nghiêm túc vào việc học thay vì chỉ tập trung thi chứng chỉ để lấy điểm quy đổi.
Thứ ba: Phù hợp với định hướng đánh giá năng lực. Điều chỉnh quy định với chứng chỉ ngoại ngữ là phù hợp với Chương trình GDPT 2018, tập trung vào việc đánh giá năng lực học sinh thay vì chỉ dựa trên thành tích.
Cô Nguyễn Đức Ái Nhật - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Phú Bài (TP Huế) đồng quan điểm và cho rằng, quy định mới hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn tiếp tục khuyến khích việc dạy học ngoại ngữ. Trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IETLS 8.5.
Như vậy là chưa công bằng giữa các thí sinh cùng sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ nhưng trình độ khác nhau; cũng chưa thực sự công bằng đối với thí sinh ở vùng sâu, xa, nơi điều kiện tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế còn hạn chế so với học sinh ở thành phố. Bên cạnh đó, vẫn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp sẽ khyến khích học sinh nhận thức vai trò của ngoại ngữ trong xu thế hội nhập; từ đó có kế hoạch rèn luyện, phát triển các kỹ năng, đón đầu công việc hoặc học tập cao hơn trong tương lai.
Lưu ý với thí sinh
Theo cô Phan Kim Phượng, thí sinh không cần điểm môn Ngoại ngữ để xét tuyển ĐH, CĐ mà có khả năng đạt chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, hãy sử dụng quyền miễn thi để tập trung cho các môn khác; đồng thời, đảm bảo chứng chỉ còn hạn và đáp ứng các điều kiện được Bộ GD&ĐT công nhận.
Ngược lại, những em dự định xét tuyển vào các ngành hoặc trường ĐH, CĐ yêu cầu điểm môn Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển vẫn nên thi Ngoại ngữ, dù đã có chứng chỉ. Các em nên đầu tư, ưu tiên các chứng chỉ có giá trị quốc tế như IELTS hoặc TOEFL, PEIC, PTE; vì không chỉ giúp miễn thi mà còn có lợi ích lớn khi xét tuyển ĐH hoặc du học. Cùng đó, học tập nghiêm túc để đạt được mức điểm chứng chỉ phản ánh đúng năng lực thực tế.
Lưu ý với thí sinh, cô Nguyễn Đức Ái Nhật cho rằng, những em có ý định sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi, hãy tiếp tục trau dồi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo chuẩn trình độ yêu cầu tốt nghiệp THPT; lấy đây là nền tảng để tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ trong môi trường đại học.
Với học sinh chọn thi ngoại ngữ, có định hướng vào các trường đại học, ngành nghề có môn Ngoại ngữ chủ đạo, cần tích cực ôn luyện bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT; đồng thời, trau dồi vốn từ, kỹ năng đọc, hiểu, viết các chủ điểm ngữ pháp… dưới dạng bài tập trắc nghiệm khách quan để đạt điểm cao nhất.
Cô Phạm Thị Thu Trang thì cho biết, đề thi tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chú trọng kỹ năng đọc hiểu, một chút kỹ năng viết, nâng cao năng lực người học, không yêu cầu nặng về ngữ pháp và tránh được độ khó của từ vựng so với trước đây.
Tuy nhiên, hiểu biết về ngữ pháp và cấu trúc trong tiếng Anh góp phần không nhỏ giúp học sinh hiểu đúng nội dung bài đọc; do đó, các em cần nắm được nhiều mẫu câu và các cấu trúc câu trong tiếng Anh. “Như vậy, thí sinh cần mở rộng vốn từ, nâng cao kỹ năng đọc hiểu và lưu ý rèn luyện kỹ năng viết như viết thư, viết đoạn văn”, cô Phạm Thu Trang cho hay.
Đồng tình với điểm mới về sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) nhắn nhủ, những học sinh đã đủ điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ và sử dụng chứng chỉ để miễn thi, cần lên kế hoạch học tập các môn còn lại một cách tích cực, hiệu quả; tuy nhiên không nên lơ là việc học tiếng Anh trên lớp. Với em đăng ký ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp cần quan tâm trau dồi, nâng cao vốn từ; tích cực luyện đề và mạnh dạn trao đổi với thầy cô để có phương pháp học, ôn luyện hiệu quả hơn.
Bài thi Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn.
Các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng miễn thi môn Tiếng Anh trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: IELTS (4.0 điểm), TOEFL ITP (450 điểm); TOEFL iBT (45 điểm); TOEIC (4 kỹ năng: nghe - 275, đọc - 275, nói - 120, viết - 120); B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; Aptis ESOL B1; PEIC (level 2); PTE Academic (43 điểm); Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đạt từ Bậc 3. Tiếng Nga: TORFL (cấp độ 1). Tiếng Pháp: TCF (300 điểm); DELF (B1). Tiếng Trung Quốc: HSK (cấp độ 3); TOCFL (cấp độ 3). Tiếng Đức: Goethe-Zertifikat (B1); DSD (B1); Zertifikat (B1). Tiếng Nhật: JLPT (cấp độ N3).