Làm sao khẳng định vị thế chứng chỉ ngoại ngữ 'nội'?

GD&TĐ - Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) cần đổi mới để khẳng định giá trị...

Chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được nhiều học sinh lựa chọn.
Chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được nhiều học sinh lựa chọn.

Lệ phí thi rẻ, được nhiều trường dùng để tuyển sinh và xét tốt nghiệp, song Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) vẫn cần đổi mới để khẳng định giá trị.

Nhiều lợi thế

Bên cạnh chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, từ năm 2022, VSTEP được dùng để xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học tại Việt Nam. Ngoài ra, sở hữu chứng chỉ VSTEP cũng giúp sinh viên được miễn một số học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo đại học, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian học.

Trong mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường đại học quyết định sử dụng chứng chỉ VSTEP để tuyển sinh đầu vào, gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM)...

Theo các chuyên gia, VSTEP phù hợp với môi trường Việt Nam, được phát triển và cấp chứng chỉ bởi Bộ GD&ĐT với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong môi trường học tập và làm việc trong nước. Nếu dự định học tập hoặc làm việc tại Việt Nam, VSTEP có thể phù hợp hơn so với các chứng chỉ nước ngoài.

Cùng đó, VSTEP giúp học sinh, sinh viên và gia đình tiết kiệm chi phí và thời gian. Lệ phí cho một lần thi VSTEP từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi có chứng chỉ VSTEP từ B2 trở lên, học sinh có thể dùng để xét tuyển đại học và được miễn học nhiều học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo đại học.

TS Nguyễn Tiến Phùng - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết: Trước đây, VSTEP chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam liên quan nhiều đến tâm lý cố hữu của người sử dụng. Nhiều người cho rằng, chứng chỉ này chưa đánh giá đúng năng lực người học bằng các chứng chỉ nước ngoài, chưa có sự tin tưởng đối với chứng chỉ “nội”.

Tuy nhiên, việc công nhận chứng chỉ VSTEP sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh hơn được tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ. Vì hiện nay, học và thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC… đòi hỏi thời gian ôn tập lâu dài và kinh phí cao nên những em ở vùng sâu, xa ít có điều kiện tiếp cận.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho rằng, hiện độ tin cậy và giá trị của chứng chỉ VSTEP không thua kém chứng chỉ quốc tế. Qua khảo sát, những người thi VSTEP đạt trình độ cao hoàn toàn có thể đáp ứng được điểm chuẩn ở các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.

Trong tương lai, khi chứng chỉ VSTEP ngày càng khẳng định được vị trí thì có thể được sử dụng “đại trà”. Các trường đại học có xu hướng đưa chứng chỉ này làm một tiêu chí để xét tuyển, tương tự như đang thực hiện với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.

nang-cao-chat-luong-chung-chi-ngoai-ngu-noi-1.jpg
Giờ học ngoại ngữ của cô trò Trường THPT Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đổi mới để khẳng định vị thế

Với những lợi thế có thể nhận thấy nhưng VSTEP còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể khẳng định vị thế ngay tại sân nhà. Nhiều trường đại học dù được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP nhưng cũng không đưa chứng chỉ này vào hệ thống tiêu chí xét tuyển.

Dự định xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ vào Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng Nguyễn Thanh Loan - học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho biết sẽ chuyển hướng thi IELTS thay vì VSTEP.

Loan cho hay, nếu thi VSTEP, em chỉ xét tuyển được vào một số trường nhất định, trong khi chứng chỉ IELTS được nhiều trường đại học dùng cho quá trình tuyển sinh đại học. Giá thi IELTS đắt gấp nhiều lần VSTEP, song phạm vi sử dụng lại rộng hơn so với chứng chỉ của Việt Nam.

Thầy Đặng Trần Tùng - giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, người từng 6 lần đạt 9.0 IELTS chia sẻ: Để VSTEP thực sự có được giá trị như kỳ vọng, bên cạnh việc các trường đại học thừa nhận khi tuyển sinh thì điều quan trọng nhất là giá trị chứng chỉ. Chứng chỉ cần đánh giá chính xác năng lực của người dự thi.

Bên cạnh việc được chấp nhận rộng rãi hơn tại các trường đại học, VSTEP phải duy trì sự cải tiến, cập nhật về đề thi, tránh tình trạng thí sinh có thể học tủ, học mẹo là ghi được điểm số cao mặc dù năng lực không tương xứng. Đồng thời, cần có các nghiên cứu, khảo sát về trải nghiệm thi của thí sinh để nâng cao chất lượng bài thi.

Một yếu tố nữa mà VSTEP cũng có thể khai thác đó là chi phí, vì mặt bằng chung các chứng chỉ quốc tế khá đắt. Nếu có thể đáp ứng nhu cầu kiểm tra năng lực tiếng Anh một cách chính xác mà chi phí lại vừa phải sẽ là yếu tố then chốt để VSTEP cạnh tranh với các bài thi khác.

Nhằm nâng cao chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi. Thông tư chỉ quy định khung, các yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với đơn vị tổ chức; không quy định chi tiết quy định và quy trình tổ chức thi như trước đây.

Đồng thời tăng cường các giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy, công bằng, đặc biệt chống thi thay, thi hộ. Trong đó, bổ sung quy định như: Yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ quy trình xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi thi giữa các đợt thi; tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các khâu của công tác tổ chức thi.

VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, gồm 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...