Quy định mới về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT (Thông tư mới) có hiệu lực từ ngày 4/3/2022. Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Như vậy, Thông tư mới thống nhất quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của các trình độ của giáo dục đại học (trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), thay thế cho 2 Thông tư cũ (Thông tư số 09 và Thông tư số 22), đảm bảo quy định thống nhất và đồng bộ việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Theo quy định cũ, việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại họ (GDĐH) được điều chỉnh bởi hai Thông tư (Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Các quy định về mở ngành tại Thông tư mới được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018; đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành (Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ; Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; Thông tư quy định về Danh mục ngành đào tạo các trình độ của GDĐH; Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện đồng bộ; tạo thuận lợi cho công tác giám sát quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nói chung.

Thông tư mới quy định bổ sung và làm rõ hơn một số khái niệm liên quan quy định tại Thông tư để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất và minh bạch như: Khái niệm về ngành phù hợp; Chuyên môn phù hợp; Ngành đào tạo; Nhóm ngành đào tạo; Lĩnh vực đào tạo; Giảng viên toàn thời gian; Giảng viên thỉnh giảng; Ngành đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật; Nhóm ngành Đào tạo giáo;  Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe; Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật; Thành phần của chương trình đào tạo và các khái niệm khác có liên quan để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất trên cả nước.

Bên cạnh đó, Thông tư mới đã có các quy định điều kiện cụ thể về đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo bảo đảm phù hợp và nhất quán với quy định tại các Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; Thông tư quy định về tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ; Thông tư quy định về tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ; Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đồng thời yêu cầu cao hơn, chặt chẽ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Điều kiện về đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo đã có quy định bổ sung và làm rõ về điều kiện giảng viên phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với việc mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Đối với mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo và phải có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học, để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học và khóa học.

Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Điều kiện về cơ sở vật chất khi mở ngành đào tạo đã quy định phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Đối với mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo, và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học. Trong đó, phải có kế hoạch cụ thể về phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị cụ thể của từng phòng thí nghiệm, thực hành phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành và phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học và phải có cam kết trong đề án mở ngành đào tạo.

Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

XEM THÔNG TƯ TẠI ĐÂY >>>>>

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.