Quy định kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

3 môn học bắt buộc

Theo Thông tư này, học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.

Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.

Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học.

Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kì. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học.

Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng. Thực hiện các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học; chú trọng rèn luyện cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu theo yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận

Về kiểm tra, đánh giá, theo Thông tư này, môn học thời lượng giảng dạy từ 168 tiết có 1 điểm đánh giá thường xuyên; môn học thời lượng giảng dạy 252 tiết có 2 điểm đánh giá thường xuyên. Trong mỗi kì, mỗi môn học có 1 điểm đánh giá định kì.

Học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định, nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng kì.

Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định thì nhận 0 điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.

Trường hợp học sinh có điểm trung bình môn học của môn học nào không đạt từ 5 điểm thì được kiểm tra, đánh giá lại môn học đó. Kết quả đánh giá lại của môn học nào được sử dụng thay thế cho điểm trung bình môn học của môn học đó.

Trường hợp học sinh không đủ điều kiện dự thi kết thúc môn học theo quy định thì phải học lại môn học đó. Việc tổ chức cho học sinh học lại môn học do người đứng đầu cơ sở đào tạo quyết định.

Học sinh có điểm trung bình môn học đạt từ 5 điểm trở lên và nghỉ học không quá 20% thời lượng giảng dạy của môn học thì được dự thi kết thúc môn học đó.

Học sinh chưa dự thi kết thúc môn học vì lý do bất khả kháng hoặc dự thi kết thúc môn học nhưng không đạt 5 điểm trở lên thì được thi lại môn học đó.

Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đó.

Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy cấp.

Thông tư này quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: Môn học và khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đào tạo; tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ trung cấp (gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.