Quy định giờ: Rào cản phát triển du lịch

GD&TĐ - Ngành công nghiệp không khói đem lại lợi nhuận cao cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách còn nhiều bất cập khiến ngành du lịch chưa có cơ hội bứt phá. Một trong những bất cập đó phải kể đến quy định giờ hoạt động của các dịch vụ ban đêm. 

Khám phá đường phố và ăn đêm là thú vui của nhiều du khách khi đi du lịch.
Khám phá đường phố và ăn đêm là thú vui của nhiều du khách khi đi du lịch.

Chán nản vì giờ giới nghiêm

Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam cảm thấy không thoải mái khi chưa được “xõa” hết mình bởi các dịch vụ đêm tắt đèn quá sớm. Họ cho rằng, buổi tối ở Việt Nam là khoảng thời gian lý tưởng vì không ồn ào, khói bụi, kẹt xe… mọi người có thể tự do ăn, chơi. Thế nhưng, khi đang vui chơi, hát hò, ăn uống liền bị ông chủ ra nhắc khéo “sắp hết giờ, nhà hàng phải đóng cửa, quý khách thông cảm…” khiến họ mất hứng…

Chị Linda Hạnh Nguyễn – Việt kiều Canada tâm sự: “Tôi và bạn trai người Anh về Việt Nam du lịch. Cả hai đều rất thích danh lam, thắng cảnh đẹp và đồ ăn ngon của Việt Nam. Đi đến đâu cũng “check in” và “seo phi” bởi luôn gặp sự bất ngờ và ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Thế nhưng, chúng tôi thật sự không thích các dịch vụ ban đêm một chút nào.

Sau một ngày đi thăm, ngắm cảnh đẹp tại các khu du lịch, đêm xuống chúng tôi cần được thư giãn, ăn uống, mua sắm, hát hò… nhưng vừa mới đi chơi chưa thấm đã phải về phòng nghỉ ngơi do các dịch vụ trên phố vắng dần, các cửa hàng, nhà hàng rục rịch đóng cửa… Do vậy, đến mỗi điểm du lịch, chúng tôi chỉ ở lại nhiều nhất 3 ngày, có những nơi chỉ 1 ngày, 1 đêm là di chuyển tới địa điểm khác”.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, làm tốt các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch là biện pháp giữ chân và tạo nguồn thu tốt nhất cho người dân địa phương cũng như sự tăng trưởng kinh tế du lịch. Tuy nhiên, các địa phương phát triển du lịch mới tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ khách từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu, trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ đem lại khoảng 70% nhiều lợi nhuận nhất lại rơi vào ban đêm (từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng).

Nắm bắt được xu thế phát triển du lịch trong và ngoài nước, thời gian qua, nhiều địa phương quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm, kèm theo đó là một số dịch vụ ẩm thực, mua sắm, vui chơi… Song chưa có quy hoạch hợp lý, các dịch vụ chưa làm tốt nên hoạt động của các mô hình này kém hiệu quả và hấp dẫn du khách.

Đấy là chưa kể đến, các địa phương đều áp dụng quy định sau 23 giờ đêm các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại để bảo đảm an ninh trật tự cho khu dân cư cũng như vấn đề trật tự xã hội khác. Đồng nghĩa với đó là các doanh nghiệp, dịch vụ kinh doanh sau 12 giờ đêm phải đóng cửa. Trong khi đó, ở nước phát triển mạnh về du lịch đều tập trung đầu tư thúc đẩy các dịch vụ đêm. Hầu như mô hình này đều hút khách du lịch và họ chi rất mạnh tay.

Giữ chân du khách: Cách nào?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách “kinh tế ban đêm” của Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu du lịch quan tâm, tìm hướng phát triển. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các dịch vụ đêm cần có những giải pháp đồng bộ.

Anh Trương Tiến Hải (Hà Nội tourist) cho biết: “Với kinh nghiệm trên 15 năm làm hướng dẫn viên dẫn tour: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… tôi thấy du khách nước ngoài thường xem ban đêm là khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi và thưởng thức các dịch vụ thú vị tại các điểm du lịch. Tại Việt Nam, không khí ban đêm tĩnh lặng hơn, không ồn ào, xe cộ… họ có thể đi bộ chơi ở các tuyến phố có dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống. Hơn nữa, nhiều du khách đến Việt Nam do bị lệch múi giờ, nên ban đêm họ thích đi chơi và khám phá ẩm thực và văn hóa của các khu du lịch…”.

Cùng quan điểm đẩy mạnh, phát triển kinh tế ban đêm để giữ chân khách du lịch, ông Nguyễn Đức Tiến – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: “Việc phát triển kinh tế ban đêm nhằm tăng nguồn thu cũng như xây dựng các địa điểm du lịch hút khách là chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian qua, chúng tôi vô cùng hoan nghênh. Những năm qua, Hà Nội đã thí điểm các dịch vụ kinh doanh phục vụ khách du lịch ở nhiều tuyến phố, khu vực trong khoảng thời gian nhất định”.

Bên cạnh những tồn tại, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại, đó là nguồn thu cho các hộ kinh doanh đồng thời cũng tạo sức hấp dẫn riêng cho Hà Nội. Tuy nhiên, xác định xây dựng kinh tế ban đêm như mở các dịch vụ kinh doanh nên có sự quy hoạch và xác định khung điều kiện chung, làm sao để các hộ dân có thể tham gia được, đáp ứng tiêu chuẩn mà chính quyền và thành phố đặt ra, làm sao vừa phát triển được các dịch vụ về đêm, vừa không ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Đặc thù của Hà Nội các hộ kinh doanh nằm xen kẽ trong các hộ dân, chính vì vậy việc duy trì các hoạt động về đêm dễ dẫn đến tình trạng mất trật tự xã hội. Do vậy, để phá bỏ giờ giới nghiêm với hoạt động phục vụ đêm, chúng ta cần đặt ra các điều kiện cụ thể để các hộ kinh doanh và mọi người dân có thể chấp nhận và áp dụng được.

Hiện các dịch vụ đêm chỉ  được hoạt động đến 23 giờ, trong khi lợi nhuận từ các dịch vụ này chiếm tới 70% cơ cấu doanh thu ngành du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.