Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, thẩm quyền ban hành quyết định hành chính

Sáng 20/6, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về ban hành quyết định hành chính ở nước ta hiện nay, thực trạng và hướng hoàn thiện”.

PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung phân tích, thảo luận các nội dung liên quan đến một số vấn đề chung và pháp luật về ban hành quyết định hành chính; thực trạng pháp luật và yêu cầu hoàn thiện pháp luật về ban hành quyết định hành chính; thực trạng ủy quyền ban hành quyết định hành chính ở nước ta hiện nay…

Đánh giá về thực trạng pháp luật Việt Nam về ban hành quyết định hành chính, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, công tác tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công…vẫn còn những khoảng trống pháp luật, là nguyên nhân sâu xa của những bất cập trong hoạt động hành chính hiện nay.

Đó là thiếu thống nhất về khái niệm, hình thức, chủ thể ban hành quyết định hành chính; thiếu quy định các nguyên tắc cơ bản về việc ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hiệu lực, hiệu quả; thiếu các quy định thống nhất về hiệu lực của quyết định hành chính, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, đình chỉ, hủy bỏ quyết định hành chính…

Từ thực trạng này, hội thảo cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về các sai phạm của quyết định hành chính từ thực tiễn kiểm tra văn bản hiện nay và hướng hoàn thiện.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để bảo đảm việc ban hành quyết định có hiệu quả, chất lượng, nhận được sự đồng thuận cao và nghiêm chỉnh tuân thủ của các đối tượng chịu tác động trực tiếp, thì pháp luật cũng cần có các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, thẩm quyền ban hành quyết định hành chính; điều kiện để ra một quyết định hành chính, hành vi hành chính được coi là hợp pháp, hiệu lực của quyết định hành chính, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; sự tham gia của bên liên quan vào quy trình ban hành quyết định hành chính; quyền được tiếp cận tài liệu của người có liên quan; trách nhiệm thông tin của các cơ quan hành chính…

Hội thảo cũng đã tập trung phân tích về những vấn đề chung trong ban hành quyết định hành chính; dẫn chiếu, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật của một số nước tiên tiến về ban hành quyết định hành chính.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ