Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 1 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT

Quy chế gồm 11 chương 54 điều trong đó quy định chung cụ thể như sau: 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (sau đây gọi là Quy chế thi), bao gồm: chuẩn bị cho kỳ thi; đối tượng và điều kiện dự thi; tổ chức đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo; chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT (gọi chung là trường phổ thông); các sở giáo dục và đào tạo (GDĐT); các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường ĐH, CĐ); các tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Thi THPT quốc gia nhằm mục đích: (i) dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; (ii) cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; (iii) cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

2. Thi THPT quốc gia đảm bảo các yêu cầu: nghiêm túc, khách quan, công bằng. 

Điều 3. Bài thi

Tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; viết tắt là KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT; viết tắt là KHXH).

1. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

2. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.

Điều 4. Ngày thi, nội dung thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi

1. Kỳ thi THPT quốc gia (gọi tắt là kỳ thi) được tổ chức hằng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hằng năm của Bộ GDĐT.

2. Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Xem chi tiết nội dung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT TẠI ĐÂY

Xem chi tiết Thông tư Ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệpTHPT TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.