Quỹ bình ổn "âm" hơn 430 tỷ đồng

Quỹ bình ổn "âm" hơn 430 tỷ đồng

(GD&TĐ) - Việc điều hành giá xăng dầu, giá sữa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp … được đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp báo chiều qua, 10/4.

Tiến ba bước, lùi một bước

Chiều 8/4, giá xăng bán lẻ trong nước bất ngờ giảm 500 đồng/lít, xuống còn 24.050 đồng/lít. Trong lần điều chỉnh trước đó - ngày 28/3 - giá xăng được điều chỉnh tăng 1450 đồng/lít. Ngày 8/4, sau khi chốt giá bình quân cơ sở 30 ngày thì kết quả chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở của các chủng loại xăng dầu lần lượt là 481 đồng/l đối với xăng ron A 92, 445 đồng/l đối với dầu hỏa. Nhiều ý kiến thắc mắc việc giá xăng tăng “tiến ba bước” nhưng chỉ “lùi một bước”.  

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng dầu trong nước còn thấp hơn nhiều so với quy định nhưng để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn chưa khôi phục thuế suất mà thay vào đó quyết định chủ động giảm giá. “Cách điều hành như vậy là hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu”, ông Tuấn khẳng định.  

Quỹ bình ổn "âm" hơn 430 tỷ đồng ảnh 1

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, cứ 3 tháng Cục quản lý giá lại yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thông báo về tình hình quản lý quỹ và sử dụng quỹ 1 lần. Tính đến ngày 21/3 Quỹ bình ổn đã âm hơn 430,9 tỷ đồng. Do hiện nay một số nước đã thực hiện điều hành giá xăng dầu theo thị trường nên có giá bán cao hơn giá xăng của Việt Nam, cũng có một số nước bao cấp giá xăng dầu nên giá bán thấp hơn giá xăng của Việt Nam.

Nhiều bộ tìm cách quản giá sữa

Đối với giá sữa, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Bộ Công thương  sớm có biện pháp quản lý giá, đưa vào mặt hàng vào diện bình ổn giá. Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết đang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Y tế tìm cách quản lý giá sữa hiệu quả hơn. Theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ quản lý giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng theo quy chuẩn mới của Bộ Y tế, các mặt hàng có chứa sữa phải đạt độ đạm trên 30% mới được gọi là sữa, nếu độ đạm thấp hơn được coi là thức ăn bổ sung hoặc thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức có pha chế. Cục Quản lý giá và Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp rà soát danh mục các mặt hàng này theo hướng xác định rõ theo 3 nội dungtên gọi, chất lượng và giá cả. Nếu xét thấy có tác động đến đời sống sẽ xem xét đưa vào diện kiểm soát giá. 

Trước mắt sẽ xem xét điều hành giá sản phẩm này dưới quy định: Sản phẩm sữa độ đạm trên 30% mới gọi là sữa còn dưới là thức ăn bổ sung hoặc thực phẩm dinh dưỡng. 

Kiến nghị giảm nhiều loại thuế

Bà Vũ Thị Mai,  Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết bộ này đã trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nghị quyết về một số giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó quyết định giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ 1/1/2013 đến 30/6 - 2014 đối với các hoạt động đầu tư nhà ở kinh doanh xã hội.  3 nội dung liên quan TNDN là áp dụng thuế suất 20% từ 1/7 - 2013 với doanh nghiệp vừa và nhỏ (những doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 200 người và dưới 20 tỷ đồng), áp dụng  thuế 10% từ 1-7-2013 đối với thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; ưu đãi mở rộng đối với ngành nghề ưu đãi. 

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất  giảm nghĩa vụ và thuế suất giảm nhưng với thuế suất 23% và nhỏ và vừa thì so với khu vực đã khá cạnh tranh và tương đối thấp so với thế giới và khu vực. Theo bà Mai, phải cân nhắc các mục tiêu sản xuất kinh doanh thu ngân sách sao cho tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tạo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế – thứ trưởng Mai nói.

Phương Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ