"Xây dựng THTT - HSTC" - Những nốt nhạc vui

"Xây dựng THTT - HSTC" - Những nốt nhạc vui

(GD&TĐ) - Sáng nay 19/7, tại TP Đà Lạt, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm Phong trào thi đua "Xây dựng THTT - HSTC". Nhóm PV gdtd.vn (Diệu Ngọc, Quốc Ngữ, Bá Hải, Phương Đông) tường thuật trực tiếp tại hiện trường.

10.58: Bế mạc Hội nghị

10.42: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tổng kết hội nghị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận Hội nghị
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận Hội nghị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói:

“Qua tài liệu Hội nghị và phát biểu tham luận, các đồng chí đều bày tỏ ý kiến thống nhất với báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào và nhất trí việc phát động phong trào là chủ trương đúng đắn, đi đúng trọng tâm, có trọng điểm, phù  hợp với tình hình chung của giáo dục phổ thông cả nước cũng như đặc điểm riêng của mỗi địa phương, mỗi nhà trường.

Thực tiễn phong trào cho thấy: “Xây dựng phong trào trường học thân thiện - Học sinh tích cực đã phát huy được tính chủ động sáng tạo của thầy cô giáo và của các nhà trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan trung ương, địa phương và người dân tham gia vào hoạt động của nhà trường, tham gia vào việc củng cố và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng đánh giá: “Qua theo dõi tình hình, chúng tôi nhận thấy phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” đã đi vào cuộc sống, đã trở thành một sinh hoạt bình thường của nhà trường và của các địa phương. Phong trào có thể “sống” bình thường, không cần phải có sức ép, không cần có chỉ thị, văn bản nào từ bên ngoài, từ bên trên.

Bộ trưởng khẳng định: “Sẽ không để “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” là một phong trào nữa - phong trào tức là vận động - mà đưa trở thành những hoạt động bình thường trong nền nếp, trong nội dung của hoạt động nhà trường.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập đến phương hướng sắp tới, trong đó tập trung tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học kinh nghiệm về sự chủ động sáng tạo của các thầy cô giáo, của nhà trường, của học sinh, sự chủ động trong việc đón nhận những sự hỗ trợ từ các lực lượng ngoài nhà trường.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Trong quá trình hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT, Hội nghị T.Ư 8 sẽ đưa ra thảo luận, trong đó có nhiều nội dung, nhưng gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” có 2 điểm cần lưu ý nhằm cụ thể hóa để vận dụng vào thực tiễn.

Thứ nhất, trong nội dung chuyển đổi căn bản toàn diện của giáo dục sắp tới, lưu ý việc chuyển phương thức giáo dục từ coi nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, ứng thí sang một phương thức giáo dục chủ động chú trọng việc hình thành phẩm chất và năng lực của người học.

Với sự thay đổi này, phải thiết kế lại toàn bộ chương trình, nội dung dạy và học trong các nhà trường. Từ nội dung đó, phải thiết kế lại gần như toàn bộ nội dung giảng dạy của các trường sư phạm. Và phải xây dựng mới chương trình, nội dung bồi dưỡng cho giáo viên đang làm việc hiện nay.

Thứ hai, nội dung chuyển đổi căn bản thứ hai của giáo dục là chuyển từ hệ thống giáo dục đóng, khép kín sang hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời.

Từ “đóng” sang “mở, học tập suốt đời” có nhiều nội dung không nằm trong khuôn khổ nhà trường mà nằm ngoài cộng đồng, ngoài xã hội, nhưng liên quan trực tiếp đến nhà trường là: Trường học không cô lập trong cộng đồng, không chỉ thu hẹp trong tường rào của nhà trường nữa. Trường học sẽ được mở ra gắn với cộng đồng.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý ở địa phương, ở cơ sở, một mặt tiếp thu kiến thức kinh nghiệm phổ quát, mặt khác chú ý việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhân rộng ra.

Đồng thời, tiếp tục góp ý vào đề án và tiếp nhận nội dung của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT khi được T.Ư thông qua.

Nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xem tại đây

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc

10.34: Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đình Mạnh công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2008 - 2013.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng hoa và bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc: Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn...

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Hiền báo cáo tham luận
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Hiền báo cáo tham luận

10.25: Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Hiền báo cáo tham luận về Kết quả hoạt động sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực".

Theo tham luận, còn một số khó khăn trong triển khai hoạt động như cơ sở vật chất, kinh phí cho nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp...

Để tiếp tục triển khai hoạt động, Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; tham mưu UBND tỉnh khen thưởng với cá nhân và tập thể đạt thành tích cao; tăng cường phối hợp với các ban, ngành... Việc điều chỉnh Quy chế của Bộ GD&ĐT đã tạo động lực tốt cho học sinh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

10.15:  Tham luận qua clip của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi với nội dung về giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh.

Huyện đảo Lý Sơn là địa chỉ được clip giới thiệu. Với những bài giảng lịch sử đảo Lý Sơn, sự kiên cường của những gia đình ngày đêm bám biển, về thực tế của những người lính đang canh giữ biển trời Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các giờ học lịch sử đã được các em học sinh yêu thích và đón đợi mỗi ngày.

Năm học 2012 - 2013, Quảng Ngãi triển khai giáo dục biển đảo cho học sinh thông qua lịch sử, tư liệu gìn giữ đảo Lý Sơn, đấu tranh gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra là những cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi tìm hiểu về đất nước con người Quảng Ngãi, giúp các em hiểu rõ hơn về vùng trời, vùng biển, về những tiền nhân thuở trước đã dũng cảm bảo vệ quê hương đất nước...

Các hoạt động trên thu hút sự tham gia của nhiều cấp, ngành, từng bước trở thành hoạt động thường xuyên trong công tác giáo dục hiện nay, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, mở mang kiến thức, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, hải đảo của học sinh Quảng Ngãi.

Đại diện Sở GD&ĐT Hậu Giang báo cáo tham luận
Đại diện Sở GD&ĐT Hậu Giang báo cáo tham luận

9.56: Tham luận của đại diện Sở GD&ĐT Hậu Giang.

Nội dung tham luận tập trung vào kinh nghiệm tổ chức Lễ tri ân và trưởng thành - một mô hình rất thành công và được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành.

Học tập kinh nghiệm của các địa phương, Hậu Giang đã tổ chức Lễ tri ân và trưởng thành đầu tiên tại 2 trường THPT, thu được thành công lớn, nhận được sự hưởng ứng của cha mẹ học sinh và xã hội.

Sau 5 năm triển khai mô hình, Sở GD&ĐT Hậu Giang đã nhiều lần cải tiến để mô hình được tổ chức gọn nhẹ, chu đáo hơn. Năm học 2012 - 2013, nhiều trường đã mời các em HS khóa trước thi đỗ ĐH về phát biểu trong Lễ tri ân và trưởng thành, đây là những gương sáng thực tế nhất với các em học sinh; tổ chức lễ "Khi tôi 18"; phát động, triển khai lễ "Chắp cánh ước mơ" cho HS lớp 5, lớp 9...

Bài học kinh nghiệm được Sở GD&ĐT Hậu Giang rút ra là: Cần có nhiều lực lượng tham gia cùng ngành Giáo dục trong các hoạt động phong trào; Bài học giá trị sống và kỹ năng sống qua Lễ tri ân và trường thành, là điểm sáng của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; Nếu buổi lễ được tổ chức tốt, sẽ tạo cho các em sự tin tưởng và quyết tâm hơn trong học tập...

Không quá ảo tưởng hoặc quá kỳ vọng, nhưng có thể khẳng định thông qua mô hình Lễ tri ân và trưởng thành, sẽ hình thành nhân cách trong sáng, đạo đức con người cho mỗi học sinh.

9.18: Một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào thi đua là hướng tới giáo dục toàn diện đối với học sinh ở mọi cấp học, tại các cơ sở giáo dục đã có nhiều những sáng kiến kinh nghiệm hay của các thấy cô giáo hướng về mục tiêu này. Đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai, Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Đông - đã báo cáo mô hình giáo dục kỷ luật tích cực tại Lào Cai.

Tham luận cho biết: Đến năm học 2012-2013, 100% GV Lào Cai đã thực hiện phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong trường học. Kết quả cho thấy học sinh tự tin hơn. Giáo dục kỷ luật tích cực đã phát huy hiệu quả, GV say mê giảng dạy, học sinh hăng say học tập, tạo ra các mô hình giáo dục hay, độc đáo: Tranh cử lớp trưởng, tranh cử nhà giáo dục trong tương lai. Thông qua những sản phẩm của HS, có thể thấy các em phát triển toàn diện cả về kỹ năng, thể chất, tinh thần học tập... Mỗi nhà trường trở thành một môi trường học tập an toàn, giảm thiểu tệ nạn xã hội, bạo hành, bạo lực...

Trong quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi, Sở GD&ĐT Lào Cai cũng gặp một số khó khăn như thủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong cộng đồng; tài liệu tham khảo giáo dục kỷ luật tích cực còn thiếu, chưa phong phú.

Bài học kinh nghiệm đặt ra: Thống nhất trong chỉ đạo các cấp, cán bộ quản lý làm gương, giáo viên là tiên phong; Phát huy trí tuệ tập thể; Vận động cộng đồng nhân dân vào cuộc để ủng hộ, toàn xã hội quan tâm đến giáo dục; Triển khai đồng bộ cùng các giải pháp khác, tạo ra sức mạnh tổng hợp; Lựa chọn những điển hình để nhân rộng, qua đó có khen thưởng, tổng hợp...

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - báo cáo tham luận tại Hội nghị
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - báo cáo tham luận tại Hội nghị

9.00: Trong 5 năm qua, từ khi phong trào thi đua được triển khai tại các địa phương, đã có rất nhiều những tập tấm gương điển hình trong việc thực hiện các nội dung của phong trào thi đua là cá nhân, là các tập thể. Một số tấm gương điển hình đã báo cáo kinh nghiệm thực tiễn tại Hội nghị.

Mở đầu là tham luận của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - với nội dung "Công tác quản lý góp phần xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực tại TP HCM".

Tham luận đã đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý có hiệu quả thúc đẩy phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực" thực hiện trong thời gian qua tại TP HCM như: Phối hợp tốt các lực lượng trong và ngoài nhà trường gắn kết sức mạnh toàn xã hội chung tay với ngành Giáo dục xây dựng phong trào; Xây dựng lối sống đẹp, lối sống tốt trong nhà trường; Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trường học;...

Bí thư TƯ Đoàn Dương Văn An báo cáo tại Hội nghị
Bí thư TƯ Đoàn Dương Văn An báo cáo tại Hội nghị

8.40: Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phong trào không chỉ của ngành Giáo dục mà là sự phối hợp của các bộ, ban, ngành đoàn thể.

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư T.Ư Đoàn - báo cáo Hội nghị công tác phối hợp của T.Ư Đoàn.

Báo cáo khẳng định: Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn TNCS HCM có hiệu quả không chỉ trong giờ học mà còn ngoài nhà trường, không chỉ trong học tập, rèn luyện mà còn là sự phát triển các kỹ năng xã hội... Sự phối hợp này là điển hình mẫu mực, là điểm sáng liên ngành, thể hiện trách nhiệm cao vì mục tiêu chung là công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Mối quan hệ giữa nhà trường và Đoàn TNCS HCM, Đội Thiếu niên Tiền phong HCM là mối quan hệ biện chứng thúc đẩy lẫn nhau. Trên cơ sở kết quả 5 năm thực hiện phong trào thi đua, T.Ư Đoàn đề xuất một vài vấn đề: Đề nghị ngành GD quan tâm hơn nữa đến bố trí không gian, thời gian cho hoạt động Đoàn, Đội trong trường học; Xem xét cân đối chương trình, bố trí thêm thời gian và nguồn lực trang bị kỹ năng sống cho học sinh; Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chương trình giáo dục theo hướng gọn nhẹ, phù hợp...; Tăng cường giáo dục đạo đức trong trường học...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tại Hội nghị

8.10: Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo Tổng kết 5 năm phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực".

Báo cáo cho biết: Phong trào thi đua "Trường học thân thiện - Học sinh tích cực" vừa là sự cụ thể hoá của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, vừa là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là bồi dưỡng tình cảm, giáo dục đạo đức, giá trị sống và kỹ năng sống của học sinh.

Trong 5 năm qua, hàng năm Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai phong trào gắn với kế hoạch năm học, đảm bảo các yêu cầu của phong trào thi đua: Tập trung các nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện, vui vẻ; tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của học sinh trong các hoạt động giáo dục; phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục trong điều kiện hội nhập quốc tế; huy động và tạo điều kiện để có sự tham gia hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức, cá nhân trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh.

Toàn ngành đã thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực công tác mà phong trào thi đua đã đề xuất, tổ chức triển khai sâu rộng, đều khắp trong cả nước trên cơ sở cố gắng của các cơ quan quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các em học sinh và đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi chung là các ngành) tham gia Ban Chỉ đạo triển khai phong trào.

Ban Chỉ đạo phong trào thi đua báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, kết quả đạt được, hạn chế yếu kém và những bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, nhiệm vụ để triển khai phong trào thi đua trong những năm học tiếp theo.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

Các đại biểu đến tham dự Hội nghị
Các đại biểu đến tham dự Hội nghị

8.00: Giới thiệu đại biểu

Đến dự Hội nghị, có các vị khách quý: Nguyễn Mậu Bành - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN; Lương Ngọc Toản - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Dương Văn An - Bí thư TƯ Đoàn TNCS HCM; Dương Quốc Xuân - Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Thiếu tướng Nguyễn Đức Cường - Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các ban ngành, các hội, tổ chức...

Về phía các tỉnh, có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Giang, Lai Châu, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Phú Yên... cùng hiệu trưởng các nhà trường, các giám đốc Sở GD&ĐT.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Về phía Bộ GD&ĐT, Giáo sư Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng; Các Thứ trưởng: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển; Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa; PGS. TS Trần Quang Quý; PGS. TS Phạm Mạnh Hùng; PGS. TS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cùng lãnh đạo các vụ, cục, Thanh tra Bộ, viện, Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam, Giám đốc các dự án thuộc Bộ GD&ĐT đã tham dự Hội nghị.

Đông đảo phóng viên, biên tập viên của đài phát thanh và truyền hình, các báo, đài Trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin về Hội nghị.

7.30: Chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị do thầy cô giáo và các em học sinh TP Đà Lạt biểu diễn. Đây chính là những sản phẩm từ phong trào thi đua "Trường học thân thiện - Học sinh tích cực" tại tỉnh Lâm Đồng.

Cùng với cuộc vận động “Hai không” của ngành Giáo dục từ năm học 2006-2007, với yêu cầu "lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục" làm khâu đột phá, đồng thời để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, ngày 15/5/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, mầm non, trung tâm giáo dục thường xuyên giai đoạn 2008-2013.

Đây là phong trào thi đua với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, một số ngành có liên quan. Phong trào được triển khai rộng rãi, phong phú ở tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.

Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhằm đánh giá tình hình thực hiện, kết quả đạt được, hạn chế yếu kém và những bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, nhiệm vụ để triển khai trong những năm học tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ