(GD&TĐ) - Nằm cách huyện lỵ Vân Canh chừng 25km, ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, xã vùng cao Canh Liên được mệnh danh là vùng đất “cổng trời” của tỉnh Bình Định. Trong những năm qua, mặc dù điều kiện đi lại còn khó khăn, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên đang giảng dạy ở vùng cao này vẫn đang ngày đêm bám trường, bám lớp “gieo” từng con chữ cho lớp trẻ Canh Liên hôm nay.
Trường PTDT bán trú Canh Liên |
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư tập trung của nhà nước qua nhiều chương trình lớn như 134, 135, 30a… cùng nhiều chương trình, dự án khác, bộ mặt của xã vùng cao Canh Liên đã thật sự thay da, đổi thịt. Trong đó đáng chú ý hơn cả là tuyến đường từ xã Canh Thuận vượt cổng trời đến xã Canh Liên với độ dài hơn 20 km đã được bê tông hóa với tổng kinh phí đầu tư hơn 111 tỉ đồng. Vì vậy, con đường đến với vùng cao Canh Liên hôm nay không còn là nỗi ám ảnh, hãi hùng đối với những ai muốn đặt chân đến vùng đất này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã đầu tư đưa lưới điện quốc gia về thắp sáng ở 4 làng Hà Giao, Kon Lót, Kà Nâu, Kà Bưng và hệ thống trường học, trạm y tế của xã Canh Liên cũng được quan tâm đầu tư, đem đến những đổi thay tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh - Sở GD-DT - công đoàn ngành và huyện Vân Canh thăm hỏi HS trường bán trú Canh Liên |
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui do điện, đường, trường, trạm mang lại, việc phát triển kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã vùng cao Canh Liên còn khá cao. Toàn xã có 584 hộ với 2.279 nhân khẩu nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 87,7%. Cũng có một điều đáng mừng là mặc dù cuộc sống của người dân còn vất vả, điều kiện đi lại khó khăn, cách trở nhưng việc học hành lại có những chuyển biến, tiến bộ lên rất rất nhiều.
Toàn xã hiện có 2 trường học, gồm một trường tiểu học và một trường phổ thông dân tộc bán trú, với 508 học sinh và 49 cán bộ, giáo viên. Trong đó Trường tiểu học Canh Liên quản lý 2 cấp học, gồm 7 lớp mẫu giáo với 130 học sinh và 6 giáo viên; 14 lớp tiểu học với 231 học sinh và 21 cán bộ, giáo viên. Trường phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên có 5 lớp với 147 học sinh trung học cơ sở và 22 cán bộ, giáo viên.
Phần đông giáo viên đang giảng dạy ở các trường vùng cao Canh Liên thuộc diện luân chuyển hằng năm, làm nhiệm vụ tăng cường theo quy định, nam công tác 3 năm, nữ 1 năm. Riêng giáo viên là người địa phương vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ có 3 người. Hầu hết giáo viên từ miền xuôi lên đây công tác đều ăn, ở tại 2 Nhà công vụ của 2 trường được xây dựng ở trung tâm cụm xã, thuộc 2 làng Hà Giao và làng Kon Lót, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Thầy giáo Lê Minh Nhung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Canh Liên cho chúng tôi biết: "Các cơ sở làng hiện chưa có điện lưới quốc gia và chưa có sóng điện thoại di động nên mọi liên lạc của giáo viên với thế giới bên ngoài chủ yếu là qua chiếc Radio. Ở đây cũng chưa có sóng D-com 3G nên việc tìm kiếm các thông tin trên mạng Internet hay trao đổi thông tin phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn”.
Học sinh nhà trường đi lấy từng can nước từ suối về dùng |
Khó khăn hơn cả là đội ngũ giáo viên tiểu học “cắm” ở các bản làng. Toàn xã có 7 điểm trường tiểu học ở các làng nhưng các điểm trường này lại nằm phân tán, cách xa nhau, địa hình chia cắt, giao thông đi lại hết sức khó khăn, cách trở.
Thầy giáo Nguyễn Văn Vụ ở Trường tiểu học Canh Liên kể: “Mùa nắng, việc đi lại còn dễ dàng một chút chứ còn đến mùa mưa thì hầu như “ít di chuyển”. Do vậy, ở mỗi điểm trường làng, nhà trường luôn bố trí 1 giáo viên nam để còn hỗ trợ đưa, đón chị em giáo viên nữ đi lại và đỡ đần chị em lúc ốm, đau. Riêng điểm trường Kà Bưng, do thiếu giáo viên nên hiện chỉ có duy nhất 1 giáo viên nữ dạy cùng 1 lúc tới 4 khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 4 ghép lại, nên khá vất vả. Hơn nữa, đi dạy xa, lại chỉ có một mình nên đêm hôm ốm đau chẳng biết xoay xở ra sao”.
Các giáo viên dạy tại 2 điểm trường chính ở Trung tâm cụm xã thuộc 2 làng Hà Giao – Kon Lót tuy thuận lợi việc đi lại, sinh hoạt nhưng cũng gặp không khó khăn. Thầy Trần Duy Khá, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên cho biết: “Nhà công vụ của Trường tiểu học Canh Liên đã xuống cấp nên cứ hễ mưa xuống là dột khắp nơi. Hệ thống cấp nước sinh hoạt của các trường bị hư hỏng từ cơn lũ lịch sử năm 2009 nên nguồn nước sinh hoạt ở đây rất khan hiếm. Hằng ngày cả thầy lẫn trò phải ra suối mang từng can nước về dùng, còn việc tắm giặt thì đều phải ra suối tắm “lộ thiên””.
Các em phải ra suối tắm giặt |
Không chỉ khó khăn về đời sống, để "gieo" được con chữ vào tâm trí của học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Canh Liên cũng là chuyện không hề dễ dàng một chút nào. Trong đó, bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất trong việc truyền đạt kiến thức của các thầy cô giáo ở đây.
Cô giáo Hàn Thị Chính, ở Trường tiểu học Canh Liên cho biết: “Các em từ lớp 1 đến lớp 5 đến trường học giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng khi về nhà không có có môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt nên giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông của các em có một sự bất đồng rất lớn. Do vậy, giáo viên phải có phương pháp nói sao cho các em hiểu, tiếp thu được bài học là chuyện chẳng dễ dàng một chút nào”.
Mặt khác trong điều kiện đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn nên nhiều em cũng chưa ý thức được việc học. Nhiều giáo viên ở đây nói vui với chúng tôi rằng, với đa số học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở trường, Tiếng Việt đã là một “ngoại ngữ” nên việc dạy Tiếng Anh cho các em càng trở nên khó hơn rất nhiều.
Thầy giáo Lê Hoàng Hiệp, giáo viên Tiếng Anh kể: “Bình thường các em đã rất ngại giao tiếp nên việc dạy ngoại ngữ trở nên rất nan giải. Tư duy của đa số các em đều rất chậm và đặc biệt là khả năng vận dụng ngôn ngữ, sản sinh ra ngôn ngữ để nói, để nghe của hấu hết các em còn rất yếu. Học ngoại ngữ mà các em ngại đọc, ngại nói, nghe không hiểu thì vất vả cho cả thầy lẫn trò. Vì vậy, đa số học sinh ở đây nói tiếng Anh rất yếu”.
Khu nội trú |
Thế nhưng có một điều đáng mừng là những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và giảng dạy vừa nêu đã không làm cho đội ngũ giáo viên ở đây nản lòng hay chùn bước trong sự nghiệp “trồng người’. Dường như càng khó khăn thì lớp lớp cán bộ, giáo viên ở Canh Liên càng đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và luôn động viên nhau bám trường, bám lớp, gieo từng con chữ để lớp trẻ ở đây tiến bộ lên từng ngày.
Ngoài việc dạy chính khóa buổi sáng, buổi chiều các giáo viên còn tích cực dạy phụ đạo cho học sinh yếu - kém, bồi dưỡng cho những học sinh khá - giỏi 3 buổi trong tuần mà không thu tiền. Ban đêm, các giáo viên còn tham gia quản lý giờ tự học của học sinh ở các phòng nội trú từ 19 giờ đến 21 giờ 30.
Với cách làm này, cộng với việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp mà chất lượng dạy và học ở các trường học trên địa bàn xã vùng Canh Liên ngày một được nâng cao và đặc biệt là toàn xã không có học sinh nào bỏ học.
Ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho biết: Mấy năm trở lại đây, số học sinh của huyện Vân Canh nói chung và xã Canh Liên nói riêng trúng tuyển vào lớp 10 của Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bình Định luôn dẫn đầu 3 huyện miền núi của tỉnh. Kết quả này thật đáng trân trọng, ghi nhận những nổ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ nhà giáo đang ngày đêm âm thầm “gieo” từng con chữ trên bên kia cổng trời Canh Liên.