(GD&TĐ) - Việc mang cả một phòng thực hành, các chi tiết máy vào trực tiếp trong giờ học lý thuyết đã không còn xa lạ với giảng viên (GV) ở một số trường ĐH, CĐ nhờ vào ứng dụng mô phỏng trên máy tính.
Mang cả phòng thực hành vào lớp học
Mô phỏng trong lái tàu thủy tại Trường CĐ nghề Giao thông vận tải đường thủy 1 |
Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, việc đưa máy tính vào các trường học đã tạo ra bước ngoặc lớn trong việc dạy học. Sử dụng mô phỏng trên máy tính là phương pháp dạy học tích cực phát huy cao độ tính độc lập, khả năng làm việc trí tuệ của SV, tạo ra một nhịp độ phong cách trạng thái tâm lí mới làm thay đổi phương pháp và hình thức dạy học.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc – trưởng khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP.HCM thì những môn học ở chuyên ngành kỹ thuật thay vì sử dụng phòng thí nghiệm thì đều có thể mô phỏng trên máy. Ví dụ ở môn Chi tiết máy, những cơ cấu, thiết bị… đều có thể mô phỏng thay vì phải xuống phòng thí nghiệm. Tất cả đều có thể đưa lên trên máy, bóc tách ra từng bộ phận chuyển động cho SV tham khảo. Ví dụ như khi uốn một cái móc áo, tới độ cong nào thì thanh nhiên liệu sẽ bị gãy đều có thể tính toán được và như vậy sẽ giảm bớt việc hao tốn trong khi thử nghiệm.
Từ những năm đầu thành lập, Trường ĐH Hoa Sen đã thực hiện “mô phỏng”, “giả lập” (simulation) ở bậc học Tú tài + 2 năm. TS. Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Lúc đó áp dụng cho những môn như Kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, Sử dụng thiết bị văn phòng, Doanh nghiệp ảo... Tuy nhiên, mô phỏng đơn thuần thì không đủ đem lại trải nghiệm thực tế cho SV nên trường chỉ xem như là một trong nhiều phương thức tổ chức đào tạo.
Bên cạnh đó, trường chú trọng khối lượng và chất lượng các giờ thực hành với GV có kinh nghiệm thực tế - thường là cấp quản lý doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng, bên cạnh đó là trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Và nhất là, kế thừa kinh nghiệm tổ chức đào tạo xen kẽ (giữa học tại trường và thực tập tại doanh nghiệp), trường chú trọng số lượng và chất lượng các đợt thực tập của SV cũng như các hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học.
Thạc sĩ Trần Văn Sư – Trưởng Khoa Điện tử-Viễn thông, trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Việc sử dụng các chương trình dùng để mô phỏng nhằm mục đích giảng dạy cho SV và phục vụ nghiên cứu.
Quá trình triển khai theo nhu cầu đào tạo của Khoa, có những phần mềm cần thiết cho giảng dạy những năm đầu tiên thì chúng tôi phải trang bị ngay lúc mới thành lập Khoa. Những phần mềm cần thiết khác chúng tôi trang bị dần theo nhu cầu. Cách thức thực hiện là giảng viên của Khoa đề xuất, Khoa lập hội đồng xét nhu cầu và các khía cạnh khác, sau đó trình lên nhà trường để xin đầu tư.
Nhìn chung, mô phỏng cung cấp cho SV những kinh nghiệm cụ thể về đối tượng học tập theo kiểu trải nghiệm gián tiếp. Với khả năng điều khiển đồng thời tất cả các thành phần như hình ảnh, âm thanh, video… theo năng lực và sở thích của cá nhân, SV có thể tự trải nghiệm về đối tượng.
Trong các bài giảng, bằng sự kết hợp của mô phỏng 3 chiều, của âm thanh nổi, bằng diễn biến tùy thuộc vào kỹ năng điều khiển của SV, có thể tạo nên được những trạng thái, cảm xúc hồi hộp, sung sướng, lo sợ… mà không một bộ phim hay một hình ảnh, âm thanh riêng lẻ nào có thể tạo nên. Điều quan trọng hơn, đó là từ những trải nghiệm này, SV có được những kinh nghiệm cụ thể về tư duy, về hành vi, về ứng xử.
Thuận lợi và khó khăn lớn vẫn là kinh phí
Giờ thực hành trong phòng mô phỏng Nghiệp vụ ngân hàng của SV ĐH Tôn Đức Thắng |
Theo ThS. Nguyễn Tường Dũng - Phó chủ nhiệm Khoa KT-CN, trường Cao đẳng KT-KT Bình Dương, mô phỏng có thể được sử dụng trong mọi tình huống giảng dạy và học tập. Khi ứng dụng mô phỏng để giảng dạy, GV không chỉ giúp SV nắm kiến thức môn học mà còn phải tìm cách để SV hiểu biết cả con đường đã dẫn đến kiến thức. Phương pháp này có tính trực quan cao, giúp SV có thể quan sát những hình ảnh trừu tượng không thể trực tiếp tri giác được.
Trong một số trường hợp, đối với một số SV có khả năng cơ bản về lập trình, họ có thể trực tiếp xây dựng những hình ảnh mô phỏng trên máy tính theo nhiệm vụ GV đặt ra, qua đó phát huy tính độc lập sáng tạo tìm cách thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với một chương trình mô phỏng được thiết kế tốt, SV có thể tự học mà vẫn đạt kết quả tốt như học với GV. Điều này tạo điều kiện cho việc cá thể hóa trong học tập (rất cần thiết khi kiến thức và năng lực nhân cách của SV không đồng đều).
Để xây dựng mô phỏng trên máy tính, có nhiều phần mềm rất hiệu quả. Phần mềm Flash là một trong những phần mềm làm mô phỏng sớm nhất. Flash thực hiện mô phỏng dựa trên các hình ảnh vector. Flash chỉ cần dùng một băng thông hẹp để tạo nên một đối tượng có thể chuyển động từ nhiều điểm, theo nhiều hướng khác nhau cùng một lúc. Ngoài ra, Java cũng là một trong những phần mềm mô phỏng thông dụng và hiệu quả nhất hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi, ThS. Trần Văn Sư cho rằng: Cái khó khăn lớn nhất của việc đưa ứng dụng mô phỏng là những phần mềm chuyên dụng (có thể áp dụng trong công nghiệp) thì giá rất cao và hàng năm phải cập nhật nên việc đầu tư gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Đồng quan điểm này, ThS. Võ Xuân Thịnh – phó phòng QLKH&QHQT, ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết: Tại trường, các ngành học như Cơ điện tử, Điện tử Viễn thông, Điện - Điện tử, Công nghệ Thực phẩm và Kỹ thuật Công trình đều có ứng dụng mô phỏng trong đào tạo. Tuy nhiên, chi phí triển khai đầu tư mô hình phần cứng (hardware) và phần mềm (software) tương đối cao.
PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc cho biết: Ở ĐH Bách khoa TP.HCM có BK E-learning, mọi thông tin bài giảng đều có thể được chia sẻ. Nhiều hình ảnh động, những thước phim liên quan đến chi tiết máy được mô phỏng đưa lên internet, tuy nhiên, thỉnh thoảng một số đường link trên Yotube không hoạt động khiến tư liệu bị mất do không lưu lại. Vì cái nào cũng lưu thì dung lượng rất lớn, máy tính không thể lưu trữ được nhiều dự liệu…
Mô phỏng có thể là giải pháp “tiết kiệm” khi cần đào tạo số lượng SV lớn; mà việc sắm trang thiết bị đủ số lượng và đủ mức hiện đại trở thành quá tốn kém. Lợi ích của phương thức này là giúp SV hiểu tình huống nghiệp vụ hay quy trình kỹ thuật một cách cụ thể, sinh động hơn là dạy “chay”.
Tuy nhiên, mô phỏng vẫn chỉ là mô phỏng, không thay thế được việc SV thực hành trên thiết bị thật, với nguyên vật liệu thật; càng không thay thế được trải nghiệm thực tế nghề nghiệp khi SV thực hành, thực tập trong điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoàn toàn thực tế - TS. Bùi Trân Phượng, chia sẻ.
Trường Đại học Mở TP.HCM vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn phần mềm Epicor trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai giáo dục mô phỏng. PGS.TS Lê Bảo Lâm - nguyên Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Giáo dục mô phỏng với môi trường giả định có ý nghĩa rất quan trọng đối với giáo dục đại học, nhất là khi quy mô đào tạo phát triển. Hợp tác này có ý nghĩa rất quan trọng trong hiện đại hóa nhà trường, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Các sinh viên theo học ngành Tài chính – Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh và Kế toán – Kiểm toán sẽ được tiếp cận những kinh nghiệm thực tiễn qua các phân hệ ERP bao gồm tài chính, sản xuất và phân phối. Phần mềm ERP của Epicor sẽ mang lại những kiến thức thực tế cho SV từ những mô hình kinh doanh ảo có sẵn và có thể áp dụng vào các tình huống thực tế. |
Công Chương