(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khi tham gia chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” vừa diễn ra, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đài TNVN và Đài THVN tổ chức, với sự tham gia của đông đảo người dân trên cả nước, với hình thức chính là đặt câu hỏi qua thư điện tử.
Dự báo dịp Tết năm nay, khả năng tiêu thụ hàng hóa thiết yếu tăng khoảng 20% so với các tháng bình thường trong năm |
Để đáp ứng đủ hàng hóa cho người dân trong dịp Tết, Chính phủ đã có sự chỉ đạo cụ thể về cung ứng hàng Tết. Bộ Công Thương đánh giá sẽ không có tình trạng khan hiếm hàng hóa trong dịp Tết. Các Bộ, ngành đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để tất cả các gia đình đều có Tết, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Đó là cơ sở để Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Tết Nguyên đán năm nay, về cơ bản chúng ta có thể cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu
Liên quan đến vấn đề bình ổn cung-cầu, bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết: Các địa phương ngay từ giữa năm đã chủ động triển khai việc thu xếp kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại để có thể thu mua, dự trữ hàng hóa phụ vụ cho dịp Tết. Hiện 25 tỉnh thành phố đã quyết định dành khoản kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua, sản xuất hàng hóa với con số hỗ trợ đến thời điểm này là 1.285 tỷ đồng. Con số này tiếp tục tăng vào những ngày tới đây. Dự báo tổng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường trong dịp Tết này vào khoảng 180.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh về công tác quản lý thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng gian lận thương mại thông qua các hành vi buôn lậu, lưu thông và sử dụng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là vấn đề bức xúc trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, với một khối lượng công việc rất lớn như vậy, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, riêng Bộ Công Thương không thể “kham” hết mà cần có sự phối hợp chặt chẽ theo hình thức liên ngành mới phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng cũng khẳng định trong năm 2012 này, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… đã được triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, với các biệt pháp cụ thể và đồng bộ. Tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác này đã được đánh giá cao hơn, thể hiện qua việc nhiều lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đã trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra và tổ chức các cuộc họp bàn về biện pháp vừa đảm bảo cung cầu hàng hóa cho nhân dân đồng thời ngăn chặn từng bước có hiệu quả hành vi gian lận thương mại thông qua buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chẳng hạn để đánh giá thị trường giai đoạn cuối năm, đầu tháng 12 này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác của các bộ, ngành kiểm tra tình hình buôn lậu gà từ biên giới phía Bắc vào trong nội địa; qua thực tế đã có những chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh công tác đối với các cơ quan chức năng.
Đối với hệ thống hành lang pháp lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu gọi tắt là Ban chỉ đạo 127 Trung ương gồm có Bộ Công Thương và các ngành, bộ có liên quan. Và ở địa phương cũng có Ban chỉ đạo 127 ở các địa phương thương là do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo.
Như Nguyễn