Luật cho phép nên Bộ cứ nghiên cứu!?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) về căn cứ pháp lý nào để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tại kỳ họp trước, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chính phủ chưa có chỉ đạo và Bộ cũng chưa tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, Bộ có nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc, bởi luật cho phép.
“Bộ chúng tôi đang nghiên cứu rất nhiều dự án, trong đó có đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi. Khuôn khổ báo cáo tiền khả thi trước đó chưa phục vụ công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch tuyến đường sắt Bắc Nam như Quốc hội yêu cầu. Tất cả mới chỉ là bước nghiên cứu, lập đầu tư, nếu Quốc hội thấy có tính khả thi thì Chính phủ mới đầu tư” – Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải lý giải.
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Chính phủ giao xây dựng quy hoạch mạng lưới đường sắt cả nước, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc Nam, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu dự án này. Với đường sắt khổ một mét đã có 130 năm nay, việc nâng cấp là bất khả kháng bởi hành lang đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, việc hiện đại hóa sẽ không khả thi. Ngoài ra, phải ngưng tuyến vài ba năm để làm dự án là không khả thi.
"Nếu theo hướng hiện đại thì phải làm ngay đường sắt cao tốc. Trên tuyến đó sẽ ưu tiên cái nào trước, cái nào sau thì phải nghiên cứu cụ thể" – Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định.
Theo tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ được xây dựng mới với tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế = 350 km/h), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hoá; công nghệ động lực phân tán - EMU (tương tự đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản). Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km). Dự kiến dự án bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012 và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tổng số nhu cầu sử dụng đất của dự án là 4.170 ha, trong đó 383,7 ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1 ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3 ha là đất nông nghiệp và 1.383,9 ha là đất rừng. Với chiều dài 1.570 km, tuyến đường sẽ đi qua 20 tỉnh thành, xây dựng 27 ga, trong đó 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối. Theo tính toán của Chính phủ, nếu không xây dựng đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Tuy nhiên, chủ trương đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã không được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2010 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. |
“70% Tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông”
Trả lời câu hỏi nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, và trách nhiệm của Bộ Giao thông – Vận tải đối với việc quản lý các cơ sở đào tạo và cấp bằng lái xe của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An), ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, 70% nguyên nhân gây ra tai nạn là do người tham gia giao thông. Hiện nay, bằng lái xe giả xuất hiện nhiều và chất lượng lái xe của người điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế. Bằng lái xe giả xuất hiện nhiều là do sự trục lợi của một số cơ sở, đơn vị, cá nhân cấp, làm giả bằng lái.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "70% nguyên nhân gây ra tai nạn là do người tham gia giao thông". |
Ông Dũng cho rằng, các cơ sở đào tạo lái xe tuy đã được nâng cấp, đầu tư mới nhưng một số cơ sở đào tạo, chương trình, chất lượng đào tạo còn yếu kém. Nhiều nơi đào tạo chưa có hệ thống và người học chỉ lấy lệ. Để các cơ sở đào tạo, cấp bằng lái xe hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ liên kết với Bộ Giáo dục - Đào tạo để triển khai chương trình đào tạo, cấp bằng lái xe quy củ hơn; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra pháp luật xử lý những cơ sở, đơn vị và cá nhân làm và cấp, phát bằng lái xe giả.
Trả lời câu hỏi về cách xử lý các nhà thầu để xảy ra tai nạn giao thông trong xây dựng công trình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của các đơn vị trong thực thi các công trình giao thông. Nếu công trình giao thông không đảm bảo, để xảy ra tai nạn thì chủ thầu xây dựng và các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để hạn chế tai nạn giao thông trong xây dựng công trình, Bộ Giao thông – Vận tải đã có Nghị định hướng dẫn các nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông khi lập dự án xây, trong đó có ghi rõ khoản kinh phí dành riêng cho đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ GT-VT vô can đối với các “hố tử thần”
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, hiện nay, TP. HCM xuất hiện nhiều “hố tử thần” là do sự xuống cấp của hệ thống cấp thoát nước ngầm, triều cường diễn ra liên tục tại TP. HCM đã khiến cho một số công trình thoát nước bị hư hỏng. Bên cạnh đó, một số người dân, đơn vị thi công chưa có ý thức bảo vệ đường sá, đào đường thiếu tính khoa học.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải không làm chủ đầu tư, đảm nhận một công trình nào ở nội đô thành phố mà chỉ đảm nhận những công trình lớn như Quốc lộ 50, đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây… Việc quản lý công trình nội đô TP. HCM là do các đơn vị đầu tư tại thành phố phải chịu trách nhiệm. Bộ Giao thông – Vận tải chỉ có trách nhiệm trong việc đảm bảo kết cấu an toàn giao thông đường tại thành phố. Vì vậy, Bộ sẽ làm việc với Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để phân cấp rõ trách nhiệm trong quản lý kết cấu an toàn giao thông cũng như cử đoàn công tác vào TP. HCM để giám sát, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông mặt đường.
Trần Nhật