"Mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình"

"Mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình"

(GD&TĐ) - Mặc dù tấm biển báo của Công an tỉnh Hưng Yên, Công an huyện Khoái Châu, có nội dung: “An toàn giao thông đường thủy là hạnh phúc của mọi nhà, mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình”, được cắm ngay đường dẫn xuống bến đò Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên). Nhưng bến phà này, dường như “không biết” đến biển báo đó?!.

Biển cảnh báo được cắm ngay đường xuống bến đò. Ảnh chụp tại phà Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên)
Biển cảnh báo được cắm ngay đường xuống bến đò. Ảnh chụp tại phà Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên)

Trong một lần đi công tác tại huyện Khoái Châu - Hưng Yên, chúng tôi có dịp qua  phà Bình Minh để sang huyện Thường Tín, rồi về Hà Nội. Hình ảnh, mà theo chúng tôi, ai cũng có thể nhìn thấy là tấm biển cảnh báo của Công an tỉnh Hưng Yên, Công an huyện Khoái Châu được cắm ngay đường dẫn xuống bến đò, có nội dung: “An toàn giao thông đường thủy là hạnh phúc của mọi nhà, mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình”, không những thế tấm biển còn có hình ảnh kèm theo, để bổ sung cho nội dung trên, nên rất dễ hiểu.

Nhưng theo quan sát của chúng tôi khi bước chân xuống phà, thì 100% hành khách và chủ phương tiện đều “quên” lời cảnh báo của tấm biển trên. Lân la nói chuyện với anh Nguyễn Văn H – Người điều khiển phà, khi được hỏi có biết qui định mặc áo phao đối với người điều khiển phương tiện và hành khách qua sông, anh H vô tư chia sẻ: “Tôi có nghe nói qua loa về qui định đó, nhưng mình là người đi làm thuê, chủ bảo thực hiện như nào thì mình làm thôi. Tôi nghĩ có bảo họ mặc, cũng không chắc họ nghe, toàn bà con đi chợ quen qua đây, nên ép họ cũng khó lắm anh ạ”.

Người điều khiển phương tiện và hành khách đều vô tư “mình trần” qua sông. Ảnh chụp tại Phà Mễ Sở (Thường Tín – Hà Nội)
Người điều khiển phương tiện và hành khách đều vô tư “mình trần” qua sông. Ảnh chụp tại Phà Mễ Sở (Thường Tín – Hà Nội)

Chị Nguyễn Thị Hoa (Khoái Châu – Hưng Yên) cho biết: “Tôi thường xuyên đi chợ qua đây, ngày ít nhất cũng hai lượt, nhưng đến bây giờ cũng chưa nghe thấy qui định đó, với lại nếu bắt mặc, cũng chả ai mặc đâu, mất thời gian và khó chịu lắm (cười)”.

Anh Đặng Tuấn Đạt (Yên Mỹ - Hưng Yên), lại có cái nhìn khác: “Tôi một tháng ít nhất cũng bốn lần qua lại bến phà này, tôi thấy qui định đó là rất cần thiết, mọi người nên thực hiện. Nhưng để làm được điều này, chủ phương tiện cần thực hiện một cách nghiêm túc. Vì những hôm gió to, ra đến giữa sông phà rất chồng chềnh, một phần do sóng lớn, ngoài ra còn do phà chở quá nặng, trên phà nhiều lúc có tới 4 đến 5 ô tô, rất không an toàn. Đặc biệt, cách đây vài tuần sương mù dầy đặc, chủ phương tiện không nhìn thấy bến để vào, phải lòng vòng hàng giờ mới vào được, tôi nghĩ nếu xảy ra sự cố chắc áo phao cũng không triển khai kịp để ứng cứu”.

Được biết, theo Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT qui định, mọi hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao. Đối với hành khách, tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.

: Không những “quên” áo phao, mà còn vi phạm nghiêm trọng về tải trọng khi vận chuyển hành khách qua sông. Ảnh chụp tại phà Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên).
: Không những “quên” áo phao, mà còn vi phạm nghiêm trọng về tải trọng khi vận chuyển hành khách qua sông. Ảnh chụp tại phà Bình Minh (Khoái Châu – Hưng Yên).

Qui định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2012, cho đến nay đã hơn 5 tháng, song nhiều người dân vẫn chưa hay biết. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra...nhưng kể cả khi có quy định buộc phải trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh...thì quy định trên vẫn chỉ nằm trên giấy. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng bến đò Bình Minh, mà cách đó không xa bến đò Mễ Sở, Xâm Xuyên (Thường Tín – Hà Nội) cũng chung cảnh tượng “mình trần” qua sông. Nếu rà soát và thống kê các bến đò ngang trên cả nước tính đến thời điểm này, vi phạm thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT, thì chắc con số sẽ không nhỏ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến chủ phương tiện và người dân, giám sát chặt chẽ việc thực hiện qui định này tại các bến đò ngang trên cả nước. Có như vậy, thông tư này mới đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Tránh trường hợp, khi nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra mới phát động theo kiểu “tăng cường”, “cao điểm”….Đồng thời cần có những tấm biển qui định rõ ràng, bắt buộc cao, công khai mức phạt về qui định này tại các bến đò ngang.

Nguyễn Dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...