(GD&TĐ) - Chuyện "khát quý tử" dường như đã ăn vào máu của một số người dân ở một số nước châu Á trong đó có Việt Nam, đặc biệt là những người dân Việt sinh sống trong những gia đình phong kiến xưa và một số các vùng miền ở nông thôn. Tư tưởng đó cho đến tận bây giờ vẫn chưa nguôi.
Chị Oanh – Long Biên - Hà Nội có một gia đình hạnh phúc với 2 cô con gái xinh như thiên thần. Cuộc sống gia đình chị đầy đủ, nhà cao cửa rộng, xe máy, ô tô... những thứ gì đẹp và "xịn" nhất là nhà chị có. Bởi ông xã chị là một ông chủ doanh nghiệp đồ gỗ lớn nhất vùng đang "Ăn ra làm nên". Chị Oanh là giáo viên một trường Tiểu học vừa được đề bạt làm phó Hiệu Trưởng. Cuộc sống gia đình chị Oanh là niềm mơ ước của biết bao người. Hai con gái đứa lớn đã hơn 10 tuổi, đứa nhỏ cũng đã gần 5 tuổi. Chị Oanh thấy cũng đỡ vất vả vì con bé. Thế nhưng, có một điều mà chị Oanh vẫn chưa yên, đó là gia đình chị khát một thằng cu.
Bẵng đi một thời gian chẳng ai để ý chuyện nhà chị Oanh để bàn tán chuyện con gái, con trai. Cũng trong thời gian đó chẳng ai thấy chị Oanh xuất hiện. Hỏi gia đình, họ hàng thì mọi người bảo mẹ đẻ chị Oanh ở Nam Định ốm nặng, nhà neo người, chị Oanh phải về chăm bà.
Tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của người Việt |
Bỗng một hôm chị hàng xóm cạnh nhà chị Oanh thấy trong nhà chị Oanh có tiếng trẻ con đang bi bô tập nói, tò mò chị ta ngó vào thì thấy trong nhà xuất hiện một bé trai chừng hơn một tuổi, bụ bẫm. Nếu ai để ý sẽ thấy cháu giống cô con gái thứ 2 của chị Oanh lúc nhỏ như đúc.
Chuyện ở làng quê, ít khi được kín miệng. Câu chuyện nhà chị Oanh nhanh chóng được loang ra từ miệng chị hàng xóm. "Một đồn mười, mười đồn trăm" và thế là chuyện nhà chị Oanh xuất hiện một bé trai lạ loan ra khắp xóm, làng. Trước tiên là những người họ hàng đến xem mặt thằng cu và dò hỏi đầu đuôi ngọn ngành. Và tiếp đó là cả những người dân trong làng tò mò cũng đến xem mặt thằng cu. Mấy ngày đó chị Oanh bị mọi người chất vấn nhiều. Bất cứ ai hỏi thì chị Oanh đều bảo đó là con của họ hàng dưới quê, chị nuôi giúp. Nhưng dần dần, câu chuyện về "thằng cháu nuôi giúp" của nhà chị cũng không thể giấu lâu được.
Hồi mang bầu, đến tháng thứ 4, biết là con trai nên chị Oanh đã báo ốm xin nghỉ không lương để đi chữa bệnh. Lúc chị xin nghỉ chữa bệnh, thời tiết lúc đó lại đang là mùa đông nên ít ai phát hiện được, trừ mẹ chồng chị ở nhà. Vì chính bà là người "bầy mưu tính kế" cho chị.
Thời gian đầu, cả nhà vui mừng lúc nào cũng quấn lấy thằng bé và gọi là cháu nhưng rồi khi mọi chuyện đã tạm lắng thì chuyển cháu thành con.
Giờ đây, "thằng cháu" đã không còn là chuyện bàn ra, tán vào của nhiều người nữa. Khi nhìn thấy bé ai cũng bảo đó là con chị Oanh. Lúc này chị Oanh cùng những người thân cũng không có ý kiến gì nữa. Gia đình chị đã thỏa lòng mong ước vì có thằng cu chính hiệu của mình.
Câu chuyện của chị Oanh không phải là hiếm. Vì muốn có con trai nối dõi, nhiều ông bố, bà mẹ dù đang công tác trong nhà nước vẫn không từ bỏ ý định sinh thêm để kiếm thằng cu. Kể cả những gia đình không có điều kiện cũng khát thằng cu.
Vợ chồng chị Phương, cũng ở Long Biên (Hà Nội) đều không có việc làm ổn định. 4 miệng ăn trông chờ vào 2 sào ruộng khoán và quán sửa chữa xe máy, xe đạp của chồng vậy mà anh chị vẫn khát đẻ thêm một thằng cu. Hai cô con gái đẻ liền tù tì khiến chị Phương không có thời gian để thở. Đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ hơn 2 tuổi... bụng chị Phương lại lùm lùm.
Chị Phương tâm sự: "Làm không đủ ăn đấy nhưng vì gia đình nhà chồng thích con trai nên chị đành phải cố. Lần này không biết có được như ý không...". Sau nhiều lần sinh nở mà không có điều kiện nghỉ ngơi, sức khỏe chị giảm sút nhiều nhưng để thỏa cơn khát con trai của gia đình chồng nên chị vẫn cố sinh thêm cho được một đứa nữa.
Từ những câu chuyện trên cho thấy, để chuyện "khát quý tử" dần dần không còn là một nếp nghĩ ăn sâu trong tư tưởng của người dân Việt, thiết nghĩ các cấp chính quyền nên có những chế tài và những biện pháp tuyên truyền thích đáng để người dân bỏ dần nếp nghĩ đó và có cách nhìn nhận mới. Bởi đó cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng dân số đột biến.
Phương Thủy