(GD&TĐ) - Trên bầu trời Hà Nội, “Một trời cao trên nước biếc đôi hồ” có tấm gương lớn là Hồ Tây mênh mông trời nước, nằm ở phía tây của thành phố. Còn ở trung tâm thành phố có tấm gương nhỏ hơn là Hồ Gươm. Hồ Gươm là một danh lam điểm nhiều thi vị cho đời sống nhân dân thủ đô và cả nước. Vì vậy, Hồ Gươm từ xưa luôn là một đề tài cho các tao nhân, mặc khách ngâm vịnh.
Hồ gươm (ảnh: Internet) |
Một bài thơ tả cảnh Hồ Gươm không rõ tác giả là ai vào khoảng hơn 100 năm trước đây đến nay vẫn còn nhiều người truyền tụng:
“Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn
Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non
Nước trong chưa vẩn tăm thần kiếm
Đường rộng còn trơ dấu pháp môn
Kim cổ treo chung tranh thuỷ mạc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn
Nghìn thu suy thịnh gương còn đó
Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn”.
Cảm về cảnh đẹp huyền ảo của Hồ Gươm, thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa khi còn nhỏ có dịp ghé thăm Hồ Gươm đã có thơ rằng:
“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn tháp bút
Viết thơ lên trời cao”.
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, có một nhà báo người nước ngoài khi tới thăm Hà Nội đã ca ngợi: “Hồ Gươm đẹp như một lẵng hoa giữa lòng thành phố”.
Những người con của Hà Nội khi đi xa vẫn luôn nhớ về Hồ Gươm với một nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi, mong có dịp trở về Hà Nội thả bộ bên Hồ:
“Hồ Gươm nước biếc mây trôi
Lá reo đón gió, hoa cười ngậm trăng
Trấn Ba Đình đứng ngàn năm
Tháp rùa cổ kính rêu phong nét mờ
Bốn mùa như một bài thơ
Cúc Thu, gió Hạ, nụ tơ Xuân hồng
Người đi lòng vẫn như lòng
Hẹn nhau mai mốt về cùng Hồ Gươm”.
Trở về lịch sử, cội nguồn của Hồ Gươm, cũng như Hồ Cổ Ngựa, Hồ Hàng Bạc, Hồ Sao Sa, là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại. Theo hình thế thiên nhiên có vẻ kỳ quan, người Hà Nội ngày xưa đã hình dung hồ này là : Giáp điệp xuyên hoa cách, nghĩa là: Kiểu đất bươm bướm châm hoa. Vì Hồ Gươm ngày xưa rất rộng và có hai phần đối nhau như hai cánh bướm xoè ra. Phần trên kéo từ phố Hàng Đào, Hàng Dầu trở xuống phố Hàng Khay; phần dưới kéo từ phố hàng Khay tới phố Hàng Chuối bây giờ. Chỗ hai phần tiếp giáp nhau bằng một khoảng đất dài là làng Cựu Lâu, tức là khoảng Hàng Khay tới gần Nhà Hát lớn, khoảng đất ấy như hình thân con bướm.
Từ cuối thế kỷ 16 trở về sau, Trịnh Tùng sau khi đánh đuổi được nhà Mạc, lấy lại đất nước cho nhà Lê, để vua Lê làm bù nhìn, bắt vua lê phong cho làm Chúa và con cháu đều nối nghiẹp làm vương. Phủ Chúa gồm 52 toà lâu đài dinh thự, đều ngoảnh mặt ra Hồ Gươm. Vì vậy, các đời Chúa Trịnh mới gọi phần hồ trên là Tả vọng, phần hồ dưới là Hữu vọng. Lại nhân hình thế hồ có hai phần đối nhau như thế, Chúa Trịnh liền dùng làm nơi luyện tập thuỷ quân, vì vậy mà đời ấy gọi là Hồ Thuỷ Quân.
Hồ Gươm ngày xưa còn gọi là Hồ Lục Thuỷ, vì sắc nước bốn mùa đều xanh, còn tên là Hoàn Kiếm thì theo truyền thuyết kể lại rằng có từ đời Lê thái Tổ. Người ta truyền rằng Lê thái Tổ (Lê Lợi) trước khi khởi nghĩa ở Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, có nhờ Nguyễn Trãi độn Thái ất Kim Tinh, để chọn ngày khởi nghĩa và biết được bản thân sẽ được trời trao cho một thanh kiếm thần trên cán kiếm đề chữ ”thuận thiên”.
Năm 1428, sau khi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, lấy lại được đất nước, lên làm vua, đóng đô ở Thăng Long. Một hôm, nhà vua ngự thuyền rồng chơi trong Hồ, bỗng thấy một rùa vàng nổi lên. Nhà vua đang cầm thanh kiếm trên tay, với chém theo, rùa vàng ngẩng cao cổ đớp lấy thanh kiếm rồi lặn xuống đáy hồ. Nhà vua cả giận sai tát cạn hồ để tìm thanh kiếm, nhưng rùa vàng không thấy đâu mà thanh kiếm cũng mất tích., nên cho đó là điềm trời đã cho mượn kiếm để giết giặc, nay giặc yên rồi trời sai thần Kim Quy lấy lại kiếm. Sau sự kiện đó, vua Lê bèn đổi tên Hồ là Hoàn Kiếm, nghĩa là trả lại kiếm thần.
Xa xa ở phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm là Đền Ngọc Sơn, nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và các nghĩa sĩ của Ngài đã xả thân vì đất nước chống quân xâm lược Mông Cổ, bảo vệ tổ quốc. Người ta còn đồn rằng sau 710 năm đắc quả Thánh, vãng du nơi cõi trời Đâu Suất, Ngài đã tái sinh trở lại dương thế để phò nguy cứư khổ cho dân lành. Bên cạnh đó là đài nghiên bút tháp, biểu trưng của khí phách nam nhi, viết lên trời xanh những dòng tâm huyết được chắt ra từ con tim mênh mông tình yêu thương đất nước, con người. Ngày nay, mỗi khi có dịp đi qua nơi linh thiêng này, chúng ta như thấy ẩn hiện nơi đây hừng hực hào khí Đông A như còn truyền lại đến muôn đời sau.
TS. Trần Văn Hùng