"Hai lúa chơi tem"

"Hai lúa chơi tem"

(GD&TĐ) - Nhà sưu tập tem Trần Hữu Huệ, sinh năm 1951, hiện đang sống tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Với 46 năm “tuổi tem”, ông có nhiều biệt danh đặc biệt trong giới sưu tập tem như: “Bác nông dân chơi tem”, “Hai lúa chơi tem”, “Anh cả Đồng bằng sông Cửu Long”, “Nhà chơi tem chân đất”, “Vua tem miền sông nước”… Bộ sưu tập tem của ông thật đáng nể với hơn 200.000 mẫu tem của hàng trăm quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, ông còn đoạt được nhiều giải thưởng về tem trong nước và quốc tế.

Nhịn ăn sáng để có tiền chơi tem

Mê tem từ nhỏ, Trần Hữu Huệ từng dành dụm tiền ăn quà để thực hiện thú sưu tập tem của mình. Năm 1965, lúc mới 14 tuổi, đang là cậu học trò lớp 6 Trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên - An Giang, nhờ đọc qua sách báo mà ông biết được có phong trào sưu tập tem trong giới học sinh và người lớn. Từ đó, không hiểu sao, ông bị con tem “hớp hồn”. Ngoài giờ học, ông cứ đi rảo ở tiệm sách xem tem. “Học trò nghèo như tôi hồi ấy, muốn mua tem phải nhịn ăn sáng. Thế mà vui. Lần đầu tiên cầm trên tay con tem in hình thiếu nữ mặc áo dài tím yểu điệu ngồi đàn tranh, tôi ngắm mê mẩn mấy ngày liền vẫn chưa thỏa dạ, sau đó tôi liền lấy bút ra họa đi họa lại hình con tem nhiều lần. Sự nghiệp sưu tập tem của tôi bắt đầu từ đó” - ông Huệ nhớ lại.

Chẳng rõ là “duyên” hay “nợ” với những chiếc tem xinh xắn, chỉ biết rằng, ông có một tâm hồn thuần khiết, một tình yêu tem mãnh liệt với những cánh tem thư, khiến giới trẻ sưu tập tem ngày nay ngưỡng mộ, xem là “bậc thầy” trong lĩnh vực chơi tem. Tình yêu đó đã “hóa” những chiếc tem nhỏ nhắn vốn “chật chội” bởi “ngôn ngữ” của hình ảnh được ông cần mẫn, tỉ mỉ, chọn lọc từng chi tiết để ghép thành các bức tranh tem khá lớn. Như bức tranh tem mang hình ảnh bản đồ đất nước Việt Nam, với kích thước 1m x 1,1m được treo trang trọng giữa nhà, mà ông đã dùng hơn 1000 mẫu tem để ghép trong hơn một tháng trời. Ông giải thích: “Tem có hình cờ đỏ sao vàng tôi đặt ở vị trí thủ đô Hà Nội; tem có hình Dinh Thống Nhất tôi đặt ở vị trí TP.HCM; tem có hình cá, hình tàu tôi đặt vào vùng biển đất nước…”. Phía bên trái phòng khách là chiếc tủ đựng tem rất to, trên tủ còn có một bức tranh ghép tem mà ông ví như “bản đồ thế giới” (1,2m x 1,8m) với vị trí của nước nào ông gắn tem của nước đó, rất công phu và nhiều ý nghĩa.

Ở ngăn tem quốc tế, có đến hơn trăm quyển album tem. Sau gáy mỗi quyển tem đều được đề tên mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ một cách cẩn thận với đầy ắp tem bên trong… Sau 46 năm tìm kiếm, trao đổi, hiện ông có hơn 200.000 mẫu tem các loại và hơn 20.000 bì thư thực gởi (đã sử dụng). Ông cho biết: “Trước 1975, khi được bì thư có tem là tôi ngâm nước, bóc tem, phơi rồi đưa vào album. Còn ngày nay người chơi quan niệm những bì thư thực gửi mới đáng quan tâm lưu giữ. Vì trên đó có nhật ấn bưu điện nơi đến và nơi đi qua nhũng thăng trầm biến đổi lịch sử”.

Ông Huệ giới thiệu bộ sưu tập của mình
 Ông Huệ giới thiệu bộ sưu tập của mình

Tay cày, tay tem”

Nhà sưu tập tem Trần Hữu Huệ là một nông dân chính hiệu, nhiều bạn tem gọi ông là “Hai lúa”. Bởi khi lập nghiệp, cưới vợ, ông vẫn “tay cày, tay tem” chứ nhất quyết không từ bỏ niềm đam mê của mình. Từ vài công ruộng, chịu khó làm ăn, giờ ông đã sở hữu 3ha ruộng. Từ năm 1979-1984, ông được bà con nông dân tín nhiệm bầu giữ chức tập đoàn trưởng một tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở Huyện Thoại Sơn. Dù bận rộn đồng áng, ông vẫn dành nhiều thời gian cho sưu tập tem.

Ông nói: “30 công ruộng, người ta quần quật cả ngày chứ tôi thì khác lắm. Tôi làm ruộng không quần quật trên đồng cả ngày mà chỉ làm nửa ngày; còn lại dành thời gian cho chơi tem…”. Hôm nào không cầm tới con tem, ông chịu không nổi. Bận rộn lắm thì tối ông lại lần giở các bộ tem ra chiêm nghiệm, rồi chỉnh sửa cho vừa ý. Kể cả những bộ tem đã được giải khu vực, quốc gia, ông vẫn bổ sung những tem mới sở hữu, có giá trị hơn để hoàn thiện. Vì vậy, những bộ sưu tập của ông luôn mới.

Nói về tem Bác Hồ, ông Huệ rất say sưa. Đến thời điểm này, quý nhất trong sự nghiệp chơi tem của ông vẫn là bộ sưu tập tem về Bác Hồ. Những con tem về Bác ở mọi giai đoạn lịch sử được ông âm thầm sưu tầm, trong đó có tem Liên khu 5 in hình Bác được các chiến sĩ Liên khu V làm thủ công. “Liên khu V chỉ duy trì hoạt động trong một thời gian ngắn ngay trong lòng địch tại tỉnh Bình Định ngày nay. Con tem được phát hành vào khoảng 1951-1952 với số lượng hạn chế, chỉ được gởi đến các cơ quan quan trọng của cách mạng. Sau đó, tem thư này bị đốt do điều kiện lịch sử nên số lượng càng hiếm. Điều đặc biệt là bốn cạnh của con tem này không có răng như các loại tem thường...” - ông Huệ cho biết.

Ngoài ra, thông qua những bạn chơi tem, ông có được 12 con tem có hình Bác tại nước ngoài cũng được trao đổi để giúp ông hoàn thiện hơn bộ sưu tập tem về Bác. Hiện, ông sở hữu khoảng 1.000 mẫu tem khác nhau về Bác. Ông cũng đã âm thầm hoàn thành bộ sưu tập tem mang tên 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với 190 mẫu tem, 20 bưu ảnh cùng 18 bì thư mang hình ảnh Thăng Long - Hà Nội, chia làm ba mục: Biên niên sử Hà Nội; Danh thắng Hà Nội và Hà Nội ngày nay. Ông Huệ đã sưu tập được những con tem có hình ảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh, hình ảnh về các di tích lịch sử, cảnh quan Hà Nội xưa và nay, cả hình ảnh ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, trận Điện Biên Phủ trên không…

Để có được bộ sưu tập này, ông Huệ phải nhờ đến sự giúp sức của bạn bè cả trong và ngoài nước. Biết ai có tem thư cũ, ông hỏi xin hoặc mua cho bằng được. Gần, ông đến nhận trực tiếp, xa thì nhờ người gửi qua đường bưu điện. Có những bì thư mang tem quý lưu lạc tận nước ngoài, ông nhờ người quen gửi về. Bất kỳ con tem nào sưu tập được ông cũng lần dò trên mạng tìm hiểu về sự ra đời của nó để chú thích chính xác trong bộ sưu tập của mình.

"Hai lúa chơi tem" ảnh 2
sinh hoạt tại CLB tem

Truyền “lửa” đam mê cho lớp trẻ.

Giờ đây, cuộc sống gia đình đã thoải mái, con cái dựng vợ gả chồng xong, ông Huệ quyết tâm truyền nghề cho lớp trẻ. Hơn năm năm qua, cứ mỗi chiều thứ bảy, người ta lại thấy ông mang cặp, mang tem đến thư viện Trường THSC Thị trấn Núi Sập để sinh hoạt tem với các em học sinh và thầy cô giáo ở trường này. “Câu lạc bộ tem chơi” của Trường THCS Thị trấn Núi Sập do ông thành lập ngày 6.5.2006.

Không biết vì vô tình hay hữu ý mà nó lại trùng ngày trùng tháng với ngày ra đời của con tem đầu tiên trên thế giới, 6.5.1840, cách nay 168 năm. Hiện tại, số học sinh đến sinh hoạt thường xuyên của câu lạc bộ này đã hơn 100 em. Ở mỗi giờ sinh hoạt đó, các em được ông Huệ hướng dẫn cách thức sưu tập tem và các vật phẩm bưu chính, các em được giải đáp các thắc mắc về sưu tập tem, mở mang kiến thức, tập cắt dán làm các trang tem tiền đề cho các bộ tham gia triển lãm sau nầy.

Rồi ngày chủ nhật, ông lại lặn lội đạp xe đi đến Hội quán nhà thờ Kinh Vương nơi mà những người trẻ yêu thích tem đang chờ “bậc tiền bối” đến giới thiệu cách chơi tem. Qua các buổi sinh hoạt tuy không rầm rộ huyên náo nhưng cũng không kém phần thú vị, giải thưởng cũng là một quyển album nhỏ tem cài trong đó sẽ là 10 mẫu tem của mười quốc gia khác nhau sẽ được trao cho người trả lời đúng câu hỏi về thú chơi tem.

Với những huy chương, thành tích và tâm huyết với tem thư đã giúp danh hiệu “Vua tem Đồng bằng Sông Cửu Long“ của ông càng được củng cố. Sau nhiều năm chơi tem, đạt được nhiều danh hiệu cao quý, với cái tuổi xế chiều nhà sưu tập Trần Hữu Huệ còn tâm niệm những điều chưa làm được là mong muốn đem hết những kinh nghiệm chơi tem của mình truyền đạt cho giới trẻ. 

Ths. Nguyễn Hiếu Tín

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ