"Đọc - chép" - một số vấn đề cần trao đổi

"Đọc - chép" - một số vấn đề cần trao đổi

>>Chống “đọc - chép” - Cần phải được hiểu đúng

>>Cần phát huy vai trò của tổ bộ môn

>>Phương pháp dạy học lạc hậu là "rào cản" lớn nhất

>>Dạy văn là phải bình văn

Từ lâu, dạy học theo kiểu “Đọc-Chép” được coi là một phương pháp dạy học để truyền tải kiến thức cho học sinh và được sử dụng phổ biến ở nhiều trường trong cả nước. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cuộc hội thảo và cũng đã đưa ra nhiều phương pháp dạy học tích cực hơn… nhưng hiện tại không ít giáo viên vẫn sử dụng cách dạy học theo kiểu “Đọc-Chép”

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh mang tính minh họa)

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi mạn phép trao đổi với các bạn một số điều xoay quanh  vấn đề này.

Phải nói rằng trong một tiết dạy, cũng có lúc giáo viên cần phải đọc cho học sinh chép như môn chính tả...ở bậc Tiểu học,  đọc hoặc ghi lên bảng các công thức toán học, bảng cửu chương, một sự kiện lịch sử, một số yếu tố địa lý, đoạn thơ, các khái niệm...ở bậc Trung học, điều này không có nghĩa là giáo viên đã sử dụng phương pháp “đọc-chép”. Cũng phải khẳng định rằng, trong giáo học pháp, chưa bao giờ trong trường học có phương pháp dạy học mang tên “đọc-chép”. Do đó, “đọc” thế nào và học sinh “chép” ra sao mới là quan trọng. Theo tôi,  Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương chống việc dạy học “chủ yếu qua đọc chép” nghĩa là chống việc chỉ đọc chép, truyền thụ kiến thức một chiều trong cả một tiết lên lớp.

Với cách dạy này, người thầy đã máy móc, rập khuôn trong dạy học, dễ có tư tưởng phó mặc, không hứng thú trong cập nhật kiến thức, không sáng tạo trong việc tìm kiếm các phương án thiết kế bài dạy phù hợp với mọi đối tượng học sinh trong lớp mình phụ trách để kết quả giảng dạy đạt mức tối ưu. Người học theo cách này sẽ trở nên thụ động, chỉ biết thu nhận kiến thức một chiều, không động não suy nghĩ, không biết tự mình chiếm lĩnh tri thức, trở nên thui chột về tư duy, khó vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Hơn nữa, đã dạy theo kiểu “đọc-chép” thì đề thi phải ra theo kiểu học thuộc. Học sinh khi học, chép được điều gì thì lúc thi, lại chép những điều ấy vào bài làm, không có khả năng sáng tạo, học sinh hiểu bài một cách máy móc không sáng tạo, không thể hiện được “cái riêng” của mình hoặc không dám thể hiện “cái riêng” của mình. Bài dạy học đọc-chép tất yếu phải được tổ chức theo phương thức diễn dịch, do đó tiết dạy “đọc-chép” sẽ nhàm chán và mang tính áp đặt.

Việc giáo viên sử dụng cách dạy học theo kiểu đọc-chép, có thể kể ra một số nguyên nhân sau:

-Do một số bài học của chương trình có lượng kiến thức nhiều, trong một tiết học chỉ có 45 phút, mà đã mất 10 đến 15 phút ổn định tổ chức, kiểm tra bài cũ, dặn dò học, làm bài tập ở nhà…Như vậy, chỉ còn khoảng 30  phút để giảng bài mới nên giáo viên chọn cách “đọc – chép”;

-Học sinh hiện nay khả năng tự ghi bài là rất chậm, rất hạn chế, thụ động trong học tập nên cũng có thầy cô chọn cách đọc bài, học trò chép bài. Học sinh về nhà chỉ cần học thuộc nội dung đã được ghi, khi kiểm tra bài chỉ cần đọc đúng, ghi đúng là được điểm cao…;

-Cũng còn một số thầy, cô giáo không chịu khó đầu tư cho việc thiết kế bài dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh mình đang phụ trách, sợ mất sức, cứ sẵn giáo án mẫu đọc cho học sinh chép, khi cần thỉnh thoảng mới dừng lại ghi vài chữ lên bảng. Như thế, vừa không sợ sai kiến thức cơ bản, lại vừa không tốn sức;

-Trang thiết bị và các phòng học chức năng không đủ hoặc không có để đáp ứng nhu cầu dạy học theo hướng đổi mới, hiện đại hóa, học sinh không có nhiều điều kiện để thực hành hoặc học theo phương pháp trực quan sinh động;

-Ở các trường vùng sâu, vùng xa, học sinh ngồi chen chúc, sát cánh cùng nhau trong một bàn, điều kiện học tập ở những trường đó còn quá thiếu thốn cũng là một nguyên nhân để giáo viên khó đổi mới phương pháp dạy học.

Qua thực tế, để khắc phục được tình trạng dạy học theo kiểu “đọc-chép”, tôi cũng xin trao đổi với bạn đọc một số giải pháp sau:

-Đối với các địa phương: Cần tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho các trường học nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học tích cực hiện nay đồng thời cần kết hợp với các trường trong địa phương hằng năm hoặc từng học kỳ có chế độ khen thưởng kịp thời những tổ chuyên môn, những giáo viên có thành tích tốt trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lương giáo dục;

-Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo: Cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để giáo viên các trường có dịp trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; hàng năm có tổng kết về việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm chống dạy học theo kiểu “đọc-chép”, kịp thời biểu dương các trường học, các thầy cô giáo tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy đồng thời chỉ đạo các trường học cách ra các đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ một cách hợp lý với nhiều hình thức khác nhau nhằm khắc phục tình trạng học tủ, học vẹt phổ biến trong học sinh;

-Đối với nhà trường: Ngoài các đồ dùng dạy học có sẵn, các trường học cần tổ chức cho giáo viên tự làm đồ dùng dạy học để phục vụ cho các tiết dạy đặc biệt là các tiết dạy khó đồng thời cần có kế hoạch cho các tổ chuyên môn đăng ký các tiết dạy tốt (càng nhiều càng tốt); thường xuyên thao giảng, hội giảng, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm các tiết dạy một cách thiết thực. Ngoài ra, ban giám hiệu các trường cần tăng cường dự giờ, thăm lớp để kịp thời chấn chỉnh tình trạng “đọc-chép” trong trường;

-Đối với thầy cô giáo: Tôi nhận thấy rằng, thầy cô giáo cần phải có ý thức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề; luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau phù hợp với mọi đối tượng học sinh trong từng lớp để các em chiếm lĩnh kiến thức một cách nhẹ nhàng nhất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá chất lượng, đặc biệt thể hiện ở cách ra đề, chú ý cách ra đề như thế nào để tránh tình trạng học sinh học vẹt, hoc đối phó; tích cực kiểm tra bài cũ với những câu hỏi có tính sáng tạo, đa dạng các hình thức kiểm tra để buộc học sinh phải có cách học tích cực tương ứng. Các thầy cô giáo cũng cần tăng cường các buổi thực hành thí nghiệm để học sinh tiếp thu bài nhanh hơn qua phương pháp trực quan; tích cực sử dụng giáo án điện tử một cách hữu hiệu, tránh lạm dụng quá nhiều vào máy móc mà biến “đọc-chép” thành “nhìn-chép”; tăng cường sử dụng các phương tiện hỗ trợ như bản đồ, bảng phụ, tranh ảnh minh họa để giảm bớt tình trạng đọc chép vì học sinh sẽ dễ tiếp thu và nhớ bài hơn;

-Đối với học sinh, các em cũng cần rèn luyện tinh thần tự học, vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học vào quá trình thực hành, thực tế. Các em cần chuẩn bị bài chu đáo trư¬ớc khi đến lớp đồng thời rèn luyện tính chủ động trong việc làm chủ kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, học nhóm, thảo luận trong giờ học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo và tự trình bày ý kiến của mình trước lớp là một cách hay để các em có thể nắm kiến thức nhanh mà không cần đến đọc - chép.
     
Khắc phục tình trạng đọc- chép là một yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học đối với tất cả các môn học. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp trong điều kiện hiện nay của nhiều trường. Thực hiện tốt việc chống dạy học theo kiểu “đọc-chép” là cả một quá trình lâu dài với sự cố gắng của nhiều đối tượng khác nhau trong đó sự tận tâm của thầy cô giáo là điều hết sức quan trọng mới có thể có kết quả.
 

Đặng Nhơn
(Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.