(GD&TĐ) - Sau hơn 40 năm, "con chim vành khuyên" Tố Uyên giờ đã lên chức bà. Nhưng nghị lực vẫn tràn trề trong tâm hồn người diễn viên điện ảnh tài sắc và đầy cá tính năm xưa. Cả nét duyên dáng vẫn còn in dấu trên nụ cười và ánh mắt của cô bé Nga năm nào. Không nhiều lắm vẻ thanh nhàn trong cuộc sống của bà.
Chạm ngõ điện ảnh, gặt hái thành công.
Năm 1960, đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ đang gấp rút tìm diễn viên vào vai bé Nga cho phim Con chim vành khuyên thì được nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy giới thiệu Tố Uyên, cô học sinh lớp 7 xinh xắn, hát hay, múa giỏi và là thành viên của CLB thiếu niên Hà Nội. Đạo diễn Nguyễn Văn Thông lập tức tìm đến trường cấp 2 Vân Hồ. Chỉ sau khi Tố Uyên nhảy dây và thực hiện một số động tác theo yêu cầu, kinh nghiệm của một đạo diễn tài năng đã giúp ông nhận ra tố chất nghệ sĩ thiên bẩm ở cô bé 12 tuổi này. Quả thật, một cách xuất sắc, Tố Uyên đã vượt lên trên 40-50 bạn cùng lứa về diễn xuất, để vào vai bé Nga một cách tự tin!
Tố Uyên vai Bé Nga trong Con chim vành khuyên |
Những ngày làm phim ở Thọ Xuân, Thanh Hóa rất vất vả, nhưng Tố Uyên nhanh chóng hòa nhập, hoàn thành tốt vai diễn của mình. Để Tố Uyên vui, “khắc phục” được nỗi nhớ nhà khi lần đầu xa bố mẹ (khiến Tố Uyên có lần đã khóc), các chú trong đoàn làm phim dạy cô bé bơi bằng cách cho chuồn chuồn… cắn rốn, cùng bao trò chơi thú vị khác nữa! Năng khiếu và sự thông minh đã giúp Tố Uyên thành công trong vai diễn đầu đời của mình. Không chỉ diễn xuất tự nhiên, Tố Uyên còn mạnh dạn tham gia ý kiến với đạo diễn. Khi chuẩn bị quay cảnh bé Nga bị bắn chết, lúc đó bà đã thu hết can đảm để đề nghị đạo diễn cho bé Nga được gọi “cha! cha!” trước khi ngã xuống, vì như thế phù hợp với diễn biến tâm lý và hoàn cảnh của nhân vật bé Nga là chỉ có hai bố con. Đạo diễn và đoàn làm phim đã rất ngạc nhiên trước ý kiến xác đáng này nên lập tức thông qua. Tiếng kêu thét cuối cùng của bé Nga đủ làm lay động triệu triệu con tim yêu hoà bình trên thế giới. Con chim vành khuyên đã được trao giải Bông sen vàng trong liên hoan phim Việt Nam năm 1962. Cùng năm đó, tại Liên hoan phim quốc tế ở Cacnovivary (Tiệp Khắc), Con chim vành khuyên đã đoạt giải đặc biệt. Tố Uyên đã khắc họa rất thành công một số phận trong một đất nước có chiến tranh.
Với vai diễn đầu tiên ấy, Tố Uyên đã như ngôi sao tỏa sáng cùng những bước đi ban đầu của điện ảnh Việt Nam. Để rồi năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường múa, Tố Uyên trở thành diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam. Bà lại có mặt trong hàng loạt bộ phim từng để lại dấu ấn trong lòng khán giả: Nổi gió, Chung một dòng sông, Vợ chồng anh Lực, Sao biển v.v… Một lần nữa, Tố Uyên lại mang đến cho điện ảnh Việt Nam niềm tự hào khi phim Cô giáo vùng cao (đạo diễn Nông Ích Đạt) do bà đảm nhiệm vai chính, lại giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970. Có lẽ, đây là giai đoạn rực rỡ nhất trong cuộc đời Tố Uyên.
Nghệ sĩ Tố Uyên ngày nay |
Mối tình nồng đượm
Không chỉ có một sự nghiệp là niềm mơ ước của bao người, Tố Uyên còn có Lưu Quang Vũ với một tình yêu thật đặc biệt của ông. Sự xa cách (do Lưu Quang Vũ đi bộ đội, còn Tố Uyên thường phải đi diễn xa) càng làm cho tình yêu của họ nồng đượm và gắn kết. Làm sao không tự hào về tình yêu đắm đuối, lãng mạn và cũng rất chân thành từ tình yêu của nhà thơ trẻ Lưu Quang Vũ: “Không có em anh cũng chẳng là anh/Biết ơn bàn tay chỉ sắc màu hạnh phúc/Em là rễ nối liền anh với đất/Lại là chồi nở búp đón sương mai” (Gửi Tố Uyên-1967). Trong mỗi bức thư gửi bà, nhà thơ Lưu Quang Vũ thường gọi bà là “bé Nga của anh” một cách âu yếm, thương yêu. Tình yêu ấy càng được trải ra bằng một cuộc hôn nhân vào năm 1970 như dấu mốc của sự thành thực, lãng mạn và còn được nhân lên với sự ra đời của cậu con trai Lưu Minh Vũ. Hạnh phúc choáng ngợp đối với đôi vợ chồng trẻ. Lúc này, Tố Uyên tài năng và xinh đẹp đang rất nổi tiếng, còn Lưu Quang Vũ chưa được mọi người biết tới, dẫu ông đã có tập Hương cây bếp lửa in chung với Bằng Việt. Nhưng rồi, cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn khi Lưu Quang Vũ rời quân ngũ, chưa có việc làm lại hay ốm đau. Cái gia đình nhỏ bé ấy chỉ trông vào một suất lương của Tố Uyên. Tất cả những cái đó dội vào cái tổ ấm xinh xắn nhưng nhỏ nhoi của họ, tạo thành những áp lực. Lưu Quang Vũ từng viết như một định mệnh: “Anh rất sợ những cô gái an phận và không hề mơ ước, hy vọng… Anh cần em lắm và thiếu em, anh sẽ không làm gì được nữa!”. Thế rồi, cái điều anh mong muốn và cả sợ hãi mơ hồ ấy như dự báo không lành cho hạnh phúc của họ. Số phận đã gắn kết họ trong một mối tình tuyệt đẹp tưởng không gì có thể chia cắt được, vậy mà sau có vài năm, tình yêu lãng mạn ấy đã chỉ còn âm vọng trong ký ức thời gian.
Tố Uyên - Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Minh Vu |
Thuyền tình tan vỡ, sóng đời nổi trôi
Con thuyền lênh đênh trên sóng đời Lưu Quang Vũ nhanh chóng cập bến nữ sĩ Xuân Quỳnh, còn Tố Uyên, hình như số phận cứ muốn trêu ngươi để thử thách chị. Tố Uyên từng trải qua những năm tháng như đang trong giấc mộng liêu trai chợt bị đánh thức phũ phàng. Đã có 5 năm sự nghiệp của Tố Uyên bị gián đoạn. Năm 1983, bà mới về FAFIM làm việc trở lại với nhiệm vụ thuyết minh.
Người đàn bà cả tin và khi yêu cũng dám sống hết mình cho tình yêu ấy có lúc đã tuyệt vọng đến muốn chết. Nhưng sau những thăng trầm của cuộc đời và nhất là khi đã hiểu được rằng, không phải ai cũng dám sống chết với tình yêu như mình, bà thăng bằng hơn và chập chững viết lại số phận giữa bao gian khó. Hình như vì thế mà bà càng hiểu và trân trọng hơn tình yêu của Lưu Quang Vũ từng dành cho bà. Bằng chứng là trải qua biết bao đớn đau, chia ngả của cuộc đời, kể cả khi Lưu Quang Vũ đã thuộc về người đàn bà khác, đến nay, Tố Uyên vẫn lưu giữ hầu như mọi kỷ niệm về ông: những bức thư tình, những tấm ảnh cưới và khi ông mất, bà có một bài thơ như chuỗi tiếng nấc dành cho ông. Trong phòng khách nhà bà giờ đây, ở nơi trang trọng nhất vẫn treo tấm ảnh 2 người ngồi bên nhau trong ngày cưới được phóng thật to.
Cảnh trong phim Con chim vành khuyên |
Cái quý giá nhất ở Tố Uyên là một nghị lực sống thật mạnh mẽ. Ngay cả khi sóng gió nhất trong cuộc đời, bà vẫn lao động nghệ thuật hết mình. Hoàn cảnh trớ trêu không làm xúc cảm nghệ thuật trong bà vơi đi. Bà vẫn đóng phim-công việc đòi hỏi rất nhiều cả năng khiếu, sự sáng tạo nghệ thuật và cũng như tình yêu sâu lắng với cuộc đời. Thậm chí, đây cũng là thời điểm bà xuất hiện trước công chúng với tư cách một người sáng tác thơ! Có lẽ, bà chọn thơ làm bạn tâm giao để gửi đời sống nội tâm không bình yên của mình vào đó, như một sự giải toả cảm xúc dồn nén trước số phận. Đến nay, Tố Uyên đã có 2 tập thơ: Cùng với bão và Ngày ấy mưa rơi cùng nhiều bài đăng rải rác trên các báo và in chung. Giờ đây, bà vẫn viết, với niềm hối thúc tự thân. Mấy năm qua, bà cũng tiếp tục có mặt trở lại trong các phim Cảnh sát hình sự, Hoa cỏ may, Em hãy là cô chủ v.v… như một sự tự khẳng định mình. Sau một chặng đường dài thăm thẳm trong đơn độc, chua xót, giờ đây, khát khao còn lại của người diễn viên điện ảnh nổi tiếng năm nào không phải là sự cao vời nào cả, mà chỉ là một sự bình yên! Cái ao ước bình dị ấy đủ làm nao lòng người …
Bà bảo với tôi: “Cô đã làm trọn phận sự của một người đưa đò qua sông với những người thân, còn những gì đưa đến là do số phận chọn lựa. Giờ đây, chỉ còn lại cô với nỗi cô đơn dằng dặc”. Tôi hiểu những buốt giá phía sau tâm sự của bà và chợt nghĩ, những vai diễn có số phận như ám ảnh vào cuộc đời bà, như dự báo về một cuộc chia xa luôn ẩn hiện trong mỗi bài thơ dọc theo cuộc đời nhà thơ-biên kịch tài hoa Lưu Quang Vũ vậy!
PV