"Chúng ta tự hào về nền giáo dục cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam"

"Chúng ta tự hào về nền giáo dục cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam"

(GD&TĐ) - Nhân dịp đầu Xuân, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dành thời gian trao đổi một số nội dung về Giáo dục cũng như gửi gắm thông điệp năm mới tới cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, các em học sinh:

Phóng viên: Năm 2010 là một năm đầy khó khăn với đất nước, nhưng chúng ta cũng đã vượt qua và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Xin Chủ tịch cho biết ấn tượng của mình về thành tựu của đất nước trong năm vừa qua?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm vừa qua là một năm thế giới đầy khó khăn và biến động. Trước khó khăn, Việt Nam đã cố gắng khắc phục để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên.

Trước hết nói về kinh tế, Việt Nam cũng hạn chế được phần nào tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới để đảm bảo cho cuộc sống người dân được ổn định và đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế trên 6,5%. Các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục cam kết tài trợ trong năm tới là 8 tỉ đô la. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, các nhà đầu tư vẫn tin ở xu thế phát triển và sự ổn định của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị của một số khu vực trên thế giới rất phức tạp nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục cũng có nhiều tiến bộ, nổi bật là sự kiện GS Ngô Bảo Châu- một người Việt Nam đã đoạt giải cao nhất về toán học thế giới, nói lên trí tuệ Việt Nam có thể sánh ngang hàng với bè bạn 5 châu. Tôi cũng ấn tượng đặc biệt về công tác đối ngoại với hàng loạt sự kiện quan trọng dồn dập cả ở trong và ngoài nước, mở ra những cơ hội hợp tác to lớn. Có thể nói, thành tựu của chúng ta trong năm 2010 là toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong tình hình thế giới có nhiều khó khăn.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước, trong năm 2010 đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Chủ tịch đánh giá tác động của những dịp kỉ niệm, những ngày lễ lớn như thế nào đối với việc phát huy lòng tự hào dân tộc?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm vừa qua chúng ta có nhiều ngày kỉ niệm hết sức quan trọng: 80 năm ngày thành lập Đảng, 65 năm ngày thành lập nước, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại lễ Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, hội nghị cấp cao Asean lần thứ 17 và nhiều hội nghị quốc tế khác... Đặc biệt là chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Đây là dịp để chúng ta thêm tin yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, hòa hiếu thủy chung; tự hào về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao nhiêu thác ghềnh và ngày càng giành được những thắng lợi to lớn. Chúng ta tự hào về quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trung với nước, với Đảng, hiếu với dân. Những sự kiện đó, đã hun đúc thêm tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc và kết nối thêm tình đoàn kết của bạn bè khắp năm châu thêm yêu mến, quý trọng chúng ta. Có thể nói đã khơi dậy sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Tôi tin rằng qua giai đoạn này Việt Nam sẽ có một sức mạnh mới, diện mạo mới để chúng ta giành nhiều thắng lợi hơn nữa.

Phóng viên: Giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước coi là “Quốc sách hàng đầu”, theo Chủ tịch thì chúng ta cần làm gì để giáo dục-đào tạo đạt được kết quả tốt nhất trong công cuộc phát triển đất nước?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Giáo dục đã có những thành tựu to lớn. Nền học vấn của chúng ta đang phát triển tốt, đã phổ cập rộng rãi tri thức cho mọi người dân. Chúng ta tự hào về nền giáo dục, tự hào về trí tuệ của con người Việt Nam sẽ vươn tới những đỉnh cao của nhân loại.

Nhưng mà bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy những yếu kém của giáo dục như học lý thuyết tốt nhưng thực hành còn chưa tốt. Chương trình của mình cũng còn nhiều việc phải bàn… Nói chung giáo dục của mình có nhiều điều đáng tự hào nhưng cũng còn một số vấn đề phải điều chỉnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Phóng viên: Đánh giá của Chủ tịch về việc sử dụng nhân tài hiện nay ở nước ta?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi mong muốn chúng ta sẽ đổi mới một số cơ chế, chính sách, nếu không cũng khó mà thúc đẩy tốt việc sử dụng nhân tài, đặc biệt trong khu vực quốc doanh. Nguyễn Trãi nói, đất nước “mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt thời nào cũng có” nhưng chúng ta sử dụng còn chậm, chưa phát huy đúng mức những tài năng đó. Tôi biết ở khu vực tư nhân, họ sử dụng con người nhanh, mạnh tay hơn khu vực quốc doanh, người có năng lực, họ trọng dụng ngay. Vì vậy, đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng người tài, nhất là trong bộ máy nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước là việc rất cần được tiến hành mạnh mẽ.

Phóng viên: Chủ tịch có thể chia sẻ một chút kỷ niệm thời đi học của mình?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, tôi có về thăm thầy dạy tôi hồi tiểu học ở trong vùng kháng chiến, thầy nói với tôi: “lần này em ra Hà Nội tôi kì vọng em lắm. Ngày xưa em học toán giỏi, làm toán rất nhanh. Bây giờ em ra làm Chủ tịch nước thì có một bài toán mà tôi mong em giải thật tốt, đó là bài toán chống tham nhũng”. Tôi hiểu mong mỏi của thầy cũng là mong mỏi của nhân dân. Cho đến hôm nay, tôi thấy nhiệm vụ đó mình đã cố gắng nhưng chưa được như mong muốn.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, trong lịch sử chúng ta thấy nhiều nước sau khi thoát khỏi chiến tranh khoảng 30-40 năm đều có sự phát triển vượt bậc. Và Việt Nam chúng ta đang ở trong giai đoạn này, đâu là nguồn lực và động lực để có sự tăng trưởng năng động như vậy?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Nhật Bản, sau thế chiến thứ II đất nước tan hoang lắm, nhưng bằng đôi tay, khối óc họ đã làm nên những kỳ tích. Một số nước, chỉ sau 30 năm họ có những bước phát triển có thể gọi là thần kỳ. Điều đó đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập. Nhưng mỗi nước có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta sau 25 năm đổi mới đã có những bước phát triển rất đáng tự hào và đang trong những bước đi thận trọng, vững chắc. Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, trở thành nước có thu nhập trung bình cũng là một dấu ấn rất đỗi tự hào. Tôi tin rằng Việt Nam trong những năm tới sẽ có những bước phát triển nhanh chóng hơn, vững chắc hơn.

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, có lần Chủ tịch nước đã nói rằng: “Lòng dân cũng là động lực để đưa đất nước ta phát triển”. Vậy theo Chủ tịch thì trong thời gian tới chúng ta phải làm thế nào để giữ vững lòng dân cũng như phát huy sức mạnh của nhân dân?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta làm cách mạng của mình là để đem lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Người xưa đã nói rồi “đẩy thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân”. Ý nghĩa đó thật là sâu sắc. Chính quyền của chúng ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đảng của chúng ta tồn tại cũng là vì nhân dân. Cho nên phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Tuy rằng còn nhiều khó khăn, còn những điều chúng ta làm chưa thật tốt nhưng kinh tế nước ta đang phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn. Những yếu kém đang được khắc phục. Đất nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh cho nên kinh nghiệm về quản lý nhà nước, kinh nghiệm về phát triển kinh tế chưa nhiều, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, cũng không dễ dàng. Giai đoạn vừa qua phát triển như vậy là phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Trong những năm tới, tôi tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn, tốt hơn, bền vững hơn.

Phóng viên: Chủ tịch có suy nghĩ gì về năm 2011?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm 2011 là mở đầu thực hiện kế hoạch 5 năm, 10 năm tới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức ngay vào đầu năm mới sẽ làm nức lòng mọi người, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Tôi tin rằng đất nước chúng ta sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục hơn.

Phóng viên: Nhân dịp xuân mới, xin Chủ tịch nước gửi thông điệp đầu năm tới các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên cả nước? 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tình nghĩa thầy trò luôn đậm đà, sâu sắc và thiêng liêng. Đúng như ngày xưa nói “vương sư phụ” nghĩa là vua rồi tới thầy rồi mới tới cha. Ngày xưa thì Tết phải đi lễ thầy- Đó là những tình cảm rất là chính đáng của đạo thầy trò. Tôi luôn mong muốn thầy và trò mãi luôn giữ được tình cảm gắn bó, mật thiết và thiêng liêng.

Phóng viên: Xin cám ơn Chủ tịch nước đã dành cuộc trò chuyện đầy thân tình với Báo Giáo dục và Thời đại!

Dương Thanh Hương (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ