"Chẳng có đất nào quý bằng đất học"

"Chẳng có đất nào quý bằng đất học"

(GD&TĐ) - Trong chuyến công tác mới đây về xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chúng tôi vào thăm Trường Tiểu học Na Sang 1, nhìn ngôi trường khang trang, sân chơi bãi tập, phòng học đầy đủ mà lòng cảm thấy phơi phới niềm vui.

Khi ngồi tâm sự với cô Trần Thị Vinh Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi ngỡ ngàng về điều cô nói: “để có được ngôi trường đẹp như thế này, khuôn viên rộng rãi là toàn bộ đất của ông Lường Văn Pánh, dân tộc Kháng đã hiến cho trường với tổng số 13.000m2 không những vậy, ông 2 lần nữa hiến đất cho Trường THCS”.

"Chẳng có đất nào quý bằng đất học" ảnh 1
 Các em học sinh được học tập đàng hoàng hơn

Cô Vinh dẫn chúng tôi đi tham quan trường, vừa giới thiệu: Toàn bộ khu đất ông Pánh hiến để xây trường năm 1998 là cả vườn nhãn và vải thiều đang vào mùa thu hoạch, hiện vẫn còn một số cây xung quanh trường hàng năm rất sai quả. Mảnh đất rất đẹp lại thuận lợi ngay mặt đường quốc lộ 12, đã có rất nhiều doanh nghiệp ở Điện Biên lên đặt vấn đề mua nhưng nhất định ông Pánh không bán. Họ trả cả nửa tỷ đồng vào thời điểm đó lớn lắm, đây là mảnh đất truyền đời thứ 3 của dòng họ Lường mà ông Pánh là con độc nhất nên được thừa kế.

Theo sự chỉ dẫn của cô Vinh chúng tôi tìm gặp ông Lường Văn Pánh hiện ông đang giữ chức Bí thư đảng ủy xã Na Sang. Khi chúng tôi đến xã ông đang cùng các thành viên trong ủy ban Bầu cử họp triển khai công tác nhân sự Hội đồng nhân dân cấp xã.

Trao đổi với ông và muốn ông dẫn đi thực tế những mảnh đất ông đã hiến cho trường, nở nụ cười ông nói: chuyện đó bình thường thôi, là cán bộ không gương mẫu cứ đi vận động, nói không làm thì dân ai người ta nghe! Và ông dẫn chúng tôi đi tham quan những miếng đất nhà ông thay vì trồng cây, trồng ngô, cấy lúa, thả cá thì nay theo ông vẫn gieo trồng nhưng là “gieo trồng lợi ích trăm năm”.

Ông Pánh trên mảnh đất thứ 2 hiến xây Trường THCS Na Sang
Ông Pánh trên mảnh đất thứ 2 hiến xây Trường THCS Na Sang

Rồi ông kể: năm 1998 trường học ở xã dựng ngay trước trụ sở ủy ban chưa đầy 1.000m2 chung 2 trường Tiểu học và THCS, một ngày học 2 ca rất chật chội nên xã được huyện đầu tư xây dựng trường Tiểu học bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Khi cán bộ huyện xuống họp với xã triển khai thì khó khăn lớn nhất là không có mặt bằng mà dự án không có tiền đền bù giải phóng, chỉ duy nhất là vận động nhân dân hiến đất, thời gian rất gấp nếu trong vòng 1 tuần không có mặt bằng thì dự án sẽ chuyển cho xã khác.

Ông đã suy nghĩ rất nhiều vì trên cương vị Bí thư xã, ông biết bà con ở đây bao năm nay mơ ước có ngôi trường tể tế đàng hoàng cho con em mình. Họ đều là người nghèo chỉ biết trông vào đất, bám vào đất cái nghèo đói còn đeo đẳng, giờ hiến đất lấy gì mà ăn, tấm lòng thì nhiều lắm nhưng mà “lực bất tòng tâm”. Cả đêm hôm sau khi họp về ông trằn trọc suy nghĩ, mình là cán bộ tuy nhà đông con, bố mẹ già nhưng nếu không làm đổi thay cho quê hương, không gương mẫu làm sao xứng là cán bộ Đảng.

Ông đi đến quyết định hiến toàn bộ số đất 13.000m2, 3 đời của dòng họ Lường để lại chỗ đó vừa đẹp lại ngay mặt đường thuận lợi. Tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu mình chăm ngoan, học giỏi ý nghĩa lắm! Sáng hôm sau, ông đã triệu tập cuộc họp gia đình, dòng họ nói rõ ý định và cương quyết như vậy, ông hứa với bố mẹ là sẽ chu cấp tiền hàng tháng nuôi ông bà thay vì thu lợi nhuận hoa màu trên mảnh đất ấy.

Vợ con ông đều nhất trí vì hiểu tấm lòng của ông những năm công tác cống hiến cho bà con, chỉ biết bảo nhau cố gắng làm việc khác để bù lại. Ngày khởi công xây dựng trường ông là người đầu tiên chặt cây mà chính tay ông đã chăm chút vun trồng. Ông bảo: “thật sự là tiếc và xót xa lắm! Nhưng hy sinh cái cây mười năm trồng cái cây trăm năm thì cây nào hơn”. 

Rồi tiếp đến lần thứ 2 vào năm 2004 khi có dự án xây dựng Trường THCS để tách trường Tiểu học và THCS cũng như lần trước không có mặt bằng xây dựng ông lại hiến 3.800m2gồm: ao, ruộng, nương với niềm mong ước sự nghiệp giáo dục phát triển, lần này ông đã phải chuẩn bị trước để vợ ông yên tâm ủng hộ, bằng cách vay tiền của bạn bè mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, để tăng thu nhập thay thế việc làm trên miếng đất hiến xây trường.

Ông Pánh trên mảnh đất thứ 3 hiến làm nhà bán trú của học sinh và công vụ giáo viên.
Ông Pánh trên mảnh đất thứ 3 hiến làm nhà bán trú của học sinh và công vụ giáo viên.

Câu chuyện hiến đất của ông Pánh cứ như câu chuyện cổ tích khi ông dẫn chúng tôi đến mảnh đất thứ 3, với 2.400m2 ông hiến tặng để xây nhà bán trú cho 183 em học sinh và nhà công vụ cho 10 thầy cô ở. Tất cả mọi người dân ở trong xã đều nói có lẽ trên mảnh đất nhà ông, trước đó ông đã đào được vàng thì phải, nếu không làm gì có chuyện lạ kỳ như vậy?

Tôi hỏi ông những lời của bà con nói, ông lại cười nụ cười như bắt được vàng khi vào thăm các em học sinh bán trú, ông nói: thì chính vợ tôi cũng hỏi vậy, tôi nói với bà ấy là tôi đào được vàng đã cất kỹ rồi! Để lo cho 5 đứa con ăn học lên người. Nói như vậy để bà ấy an tâm thôi, chứ lấy đâu ra vàng! Nhìn vào những mảnh đất giờ đây tôi hiến cho trường thì vàng có ý nghĩa gì? Nhà còn 4.000 m2  ruộng đói làm sao được? Gia đình làm thêm các việc khác để tăng thêm thu nhập. Đất nhà mình hiến cho trường có bỏ hoang bỏ phí đâu mà sợ. Chẳng có đất nào quý bằng đất học!

Phạm Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ