(GD&TĐ)- Còn 1 tuần nữa mới đến Tết “ông Công, ông Táo”, nhưng hiện nay trên các phố phường Hà Nội, người dân đã bán - mua tấp nập các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết truyền thống này.
Một bộ mũ, quần áo “ông Công, ông Táo” tùy loại nhỏ, to có giá từ 50.000 - 130.000 đồng/bộ. (gdtd.vn) |
Mặc dù mới là ngày 16 tháng Chạp nhưng chị Nguyễn Lan Anh ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội đã sắm sửa đầy đủ “mũ áo” cho ông Công, ông Táo. Chị cho biết, tranh thủ vào ngày chủ nhật nên chị đi mua sắm trước. Theo chị, mua trước sẽ có điều kiện được chọn đồ đẹp hơn, rẻ hơn. Với sự chuẩn bị trước như vậy, chị mong muốn sang năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn hơn – (cười).
Không riêng gì chị Lan Anh, thời điểm này, có rất nhiều gia đình mua sắm đầy đủ các đồ hàng mã cho ông Công, ông Táo. Gia đình chị Nguyễn Thu Trang ở Cầu Giấy Hà Nội cho hay: “Năm nay cả nhà thống nhất sẽ mua luôn cá chép bằng giấy, do vậy tranh thủ hôm nay là chủ nhật nên chị đã mua sắm đầy đủ quần áo, giầy dép, mũ, cá v.v.. cho các Ngài.
Còn Chị Nguyễn Thanh Hương ở Lò Đúc, Hà Nội cho biết: Mọi thứ đã sẵn sàng chờ đến ngày Tết ông Công, ông Táo. Đến ngày này gia đình chỉ cần mua thêm con cá chép để cho các ông cưỡi về trời.
Mặc dù còn 1 tuần nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo, nhưng thời điểm này đã có rất nhiều người mua sắm đầy đủ "mũ áo" cho các Ngài. (Ảnh/gdtd.vn) |
Theo những người bán hàng, với tâm lý “trần sao, âm vậy” nên hàng mã phục vụ cho ngày Tết ông Công, ông Táo rất phong phú. Ngoài những mặt hàng truyền thống thì một số mặt hàng hiện đại như ôtô, xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh... cũng rất thu hút người dân đến mua sắm.
Cũng theo các chủ hàng cũng, với những sản phẩm đồ mã như: biệt thự, nhà lầu, những mặt hàng xa xỉ khác khách hàng muốn mua thì phải đặt hàng trước; giá cả cũng dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng, tùy nhu cầu đặt hàng và kích thước to, nhỏ. Giá bán những mặt hàng này tùy thuộc vào cung cầu, giá cả không ổn định, người mua nhiều giá có thể tăng mạnh vào cận Tết.
Đối với những hàng truyền thống một bộ mũ, quần áo “ông Công, ông Táo” tùy loại nhỏ, to có giá từ 50.000 - 130.000 đồng/bộ, tiền vàng từ 30.000 - 60.000 đồng/tập, ngựa từ 50.000 - 80.000 đồng/con... cá chép đơn loại to có giá 180.000 đồng/con, cá chép loại nhỏ được bán với giá 150.000 đồng/cặp.
Có thể nói, vào thời điểm này, không riêng gì ở những cửa hàng cố định, ở bất kỳ con phố nào, người dân cũng có thể bắt gặp những gánh hàng rong lỉnh kỉnh quần áo, mũ “ông Công, ông Táo” đủ các cỡ, tiền vàng âm phủ với nhiều chủng loại rất phong phú.
...Sẵn sàng phụ vụ đến từng ngõ phố. (Ảnh/gdtd.vn) |
Tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp (Tháng Mười Hai). Theo tín ngưỡng dân gian, Táo Quân Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Tết Táo Quân là một lễ quan trọng, cận kề với Tết Nguyên Đán, và đó cũng là một dịp để mọi người trong gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới.
Lễ vật cúng Táo Quân gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ. Những đồ “vàng mã” sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Quân. Trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Tục cúng cá chép chỉ người miền Bắc hay làm. |
Minh Hằng