Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé ấy thì mới thấy phi lí đến mức khó tin ở một ngôi trường mang tên “quốc tế” như Gateway. Mỗi lớp học ở đây chỉ có 24 cháu, ít hơn 12 cháu so với “quy chuẩn” của một lớp học hiện nay. Học phí tới cả 100 triệu đồng/năm nên việc đưa đón học sinh bằng xe của trường là điều hiển nhiên. Phụ huynh hằng tháng chỉ việc đóng đủ tiền, còn việc học hành, đưa đón thì gần như giao khoán cho trường. Nói học phí trên 100 triệu đồng là “đắt” cũng được, mà cho đó là “bình thường” thì cũng không sai. Nhiều phụ huynh do đặc thù của công việc nên “khoán gọn” như thế cho trường thì vẫn an tâm hơn là đưa đón con hằng ngày, lại phải chở đi học thêm đủ các môn.
Chuyện đắt hay rẻ ở đây lại phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của bên thu học phí, tức phía nhà trường. Đã gọi là “trường quốc tế” thì khi thực hiện các bước phải đúng chuẩn của “quốc tế” chứ! Ví dụ như đón các cháu lên xe phải đúng giờ, lên xe phải kiểm tra từng cháu. Khi rời khỏi xe lại phải tiếp tục kiểm tra. Giáo viên phụ trách đưa đón ấy nếu như “quên” điểm danh học sinh lúc lên và xuống xe thì anh tài xế ấy phải nhắc. Lên xe 24 cháu mà khi xuống xe chỉ 23 cháu thì phải hỏi còn một cháu nữa ở đâu chứ?
Lại nữa, giả dụ như cả giáo viên đưa đón lẫn tài xế đều “quên” thì khi vô lớp, cô giáo dạy hôm đó phải điểm danh, thấy em nào vắng thì phải báo cáo ngay với trường để hỏi xem lí do vì sao vắng mặt. Trong trường hợp này, giáo viên đã báo với trường là hôm 6/8, lớp có vắng một cháu nhưng trường thì vẫn vô tâm trước báo cáo này. Nếu nhà trường mà chuyên nghiệp theo chuẩn “quốc tế” một chút, chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi cho phụ huynh thì sẽ không có chuyện đáng buồn ấy xảy ra.
Thôi thì giả dụ như cả người đưa đón lên xuống xe, rồi tài xế lẫn phụ trách nhà trường đều “quên” thì khi ăn trưa, chỉ cần “điểm danh” lần nữa, kiểm tra lần nữa, và một cuộc điện thoại từ người phụ trách bữa ăn về cho phụ huynh thì đâu đến nỗi cha mẹ cháu bé phải đau đớn đến vậy. Có thể nói, cả một hệ thống vận hành của Gateway, ở tất cả các khâu đều vô tâm nên dẫn đến bi kịch. Vì chỉ cần một bộ phận nào đó trong toàn bộ hệ thống vận hành của trường phát hiện ra sự vắng mặt “không lí do” của cháu bé thì sẽ không có chuyện bỏ quên cháu từ 7 giờ 30 phút sáng đến 16 giờ 30 phút chiều như thế.
Người lớn mà nhốt nguyên ngày, xe đóng chặt cửa, không điều hòa như thế, cũng chết huống là cháu bé 6 tuổi. Nội chuyện cháu sợ cũng đủ để “tím tái” rồi chứ đừng nói đến ngộp thở vì thiếu không khí.
Tiền thì thu theo chuẩn “quốc tế” mà vận hành thì lại rất ao làng, Gateway (cửa ngõ) này nên đóng lại nếu như vẫn tiếp tục vô tâm để rồi dẫn đến những cái chết oan như thế.