Quốc hội thông qua Nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn

GD&TĐ - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Với 474/476 đại biểu Quốc hội (chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội.

Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Nghị quyết nêu rõ định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế.

Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực,  trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu…

Liên quan đến giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết đề nghị tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ