Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

GD&TĐ - Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Sáng 28/11, sau khi nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua luật này.

Kết quả biểu quyết, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,13 %).

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Ngày 27/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi đến các vị ĐBQH.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đã có các quy định về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc nhóm được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là phi lợi nhuận, không phù hợp với khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1 Điều 3.

Do đó, Dự thảo Luật được bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 1, không điều chỉnh đối với “Việc cho công nhân, người lao động thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở”.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế là không khả thi do khó xác định được “quy mô nhỏ”, dễ phát sinh tiêu cực, trốn thuế.

Đề nghị kinh doanh bất động sản đều phải thành lập doanh nghiệp, không phân biệt quy mô.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 6 Điều 9 Dự thảo Luật: “Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này; quy định việc xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ”.

Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm bảo đảm đồng bộ với tinh thần của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa quy định tại Điều 10 và Điều 15.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch có quyền kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân Việt Nam ở trong nước.

Giữ chính sách hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.