Chúng ta phải là nguồn cảm hứng cho chặng đường phát triển còn lại
Đề cập đến giám sát chuyên đề về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, tuy đây không phải là giám sát tối cao của Quốc hội, nhưng những đánh giá và kết quả giám sát liên quan đến khả năng phục hồi đất nước trong thời gian tới và cũng tương đồng với những mục tiêu dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng XIII sắp tới. Kết quả giám sát không những cho thấy những lát cắt rất nhỏ về thực lực của doanh nghiệp Việt Nam mà còn bao quát khá đầy đủ về tương quan vị thế của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài trong hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu như các FTA được ví như “đường cao tốc” thì doanh nghiệp sẽ được trang bị lại để tham gia đường cao tốc này. Kể từ khi tham gia FTA đầu tiên năm 1995, Việt Nam đến nay được đánh giá là hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu về tăng trưởng bao trùm trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2004 - 2014, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế đã giảm so với nhiều năm trước đó. Điều này có phần nào đi ngược lại với nhận định “Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới” hay không? Nếu tỷ lệ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế giảm thì kết quả hội nhập sâu rộng mà chúng ta đánh giá đến từ đâu? Khu vực nào đã và đang khai thác, tận dụng hiệu quả “đường cao tốc” này?
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, trong khi những nước như Thái Lan, Trung Quốc đã tham gia toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu cuối cùng là gia công, hoặc xuất khẩu các sản phẩm giày dép, quần áo với nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Thời gian gần đây, nhiều nhận định và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất máy tính thế giới khi dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển. Trong tâm điểm này, ĐB Nhân lưu ý, chúng ta cần tỉnh táo trước nhận định trên, khi biết rằng 3/4 số lượng các bộ vi xử lý được sản xuất tại Mỹ, còn lại ở Ireland và Israel. Trong khi đó, cơ sở ở Việt Nam của Intel chỉ tập trung vào hoạt động kiểm lỗi và đóng gói. Điều này cho thấy chúng ta thiếu hẳn công nghệ hiện đại. Do đó, khâu gia công, xuất khẩu giày dép, quần áo đến kiểm lỗi, đóng gói chiếm bao nhiêu % trong tổng giá trị sản phẩm đó, rất cần câu trả lời.
Đặt trường hợp trong vài năm nữa, khả năng nội lực hóa chúng ta cao hơn thì vấn đề cốt lõi là liệu chúng ta có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu được hay không khi các FTA thế hệ mới mang cả hệ sinh thái vào Việt Nam? Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và có thể mong đợi gì vào thị trường xuất khẩu?
Đặt ra các câu hỏi này, ĐB Nhân chỉ rõ, chúng ta không chỉ thiếu công nghệ hiện đại mà còn thiếu cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt được kỳ tích thịnh vượng vào năm 2045, thì phải vượt qua mức thu nhập trung bình thấp như dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đề ra, có nghĩa là, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD vào năm 2025, trong khi đó GDP đầu người năm 2019 chỉ đạt 2.750 USD thì trong 5 năm tới chúng ta phải đạt gấp đôi con số hiện tại. Để nâng cao năng suất lao động, đòi hỏi hàm lượng lao động chất lượng ngành nghề, trình độ cao là cấu phần quan trọng để vượt qua bẫy trung bình là một trong điểm nghẽn hiện nay của nền kinh tế. Trong khi, lao động giá rẻ là một trong những động lực tăng trưởng ở giai đoạn thu nhập thấp, nhưng năng suất lao động, trình độ giáo dục đào tạo là động lực quan trọng cho giai đoạn thu nhập trung bình thấp chưa được hình thành đầy đủ, thì tiền đề, điều kiện gì để có thể thoát bẫy thu nhập trung bình trong những năm tới?
Một điều quan trọng là trong kịch bản tăng trưởng chúng ta luôn đặt mình ở thế động và các nước so sánh ở thế tĩnh. Thế nhưng, với thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì khi chúng ta tiến một bước, họ đã tiến nhiều bước quan trọng, mà tỷ trọng đầu tư, đổi mới sáng tạo trong GDP của Australia, Singapore là 2,2%, Trung Quốc là 2.1%, Malaysia là 1,3% so với 0,4% của Việt Nam phần nào củng cố quan điểm trên. Trong khi đầu tư, đổi mới sáng tạo với tỷ lệ khiêm tốn như trên thì công cụ chuyển đổi số nền kinh tế hậu Covid không dễ dàng gì, khi tâm lý doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm đến chuyển đổi số, do đặc thù, tính chất, cũng như nhiều lý do khác. Do đó, để chuyển đổi thành công thì trước tiên Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp phải đi đầu trong quá trình này nhằm lôi cuốn tất cả thành phần trong xã hội cùng tham gia. Đi đầu là chuyển đổi nhận thức, bởi chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi nhận thức mà Quyết định 749 của Chính phủ đã khẳng định.
Theo ĐB Nhân, chúng ta chỉ có thể vay mượn sức mạnh của người khác trong thời gian nhất định để chạy đà. Điều quan trọng phải quay lại, trở về với nguồn lực nội sinh, bởi đây mới chính là tài sản tinh hoa của đất nước. Sau khi đại dịch Covid, thì có nỗi lo khác là tạo thêm điều kiện cho làn sóng thôn tính từ các công ty, tập đoàn lớn.
Thịnh vượng chỉ có thể thành hiện thực khi toàn dân đoàn kết, một lòng hướng về khát vọng với những nỗ lực phi thường trong thời gian ngắn còn lại. Sự đoàn kết đó không chỉ trong các cấp lãnh đạo mà còn là câu chuyện tổng hòa, điều phối liên kết nguồn lực nội tại trong nước. Bài học từ Hàn Quốc, Malaysia thành công trong thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn khả năng truyền cảm hứng cho các nước đang tìm con đường phát triển cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. “Chúng ta từng là niềm cảm hứng và niềm tin cho nhiều quốc gia bằng những tin tức thời chiến. Trong 10 – 20 năm nữa, chúng ta phải là nguồn cảm hứng cho chặng đường phát triển còn lại”, ĐB Nhân bày tỏ.
Thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào nếu chúng ta không thay đổi
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và một số ĐBQH về nhận định Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả công tác trồng rừng, để nâng tỷ lệ che phủ rừng lên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chỉ rõ, các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lũ sạt lở để lại hậu quả nặng nề năm này qua năm khác.
Vừa trở về từ miền Trung, ĐB Hiếu chia sẻ, ông thấu hiểu tình cảm cả nước với khúc ruột miền Trung yêu thương nhưng thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng mới nhưng vẫn cho các đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, thủy điện “cóc” tiếp tục duy trì hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép xây mới. Nếu mọi chuyện xảy ra như trận lụt lịch sử còn có hậu quả tang thương nữa. Chúng ta phải thay đổi cách làm, nhận ra sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy không dễ.
Đơn cử, khi có người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến nhà về cái bàn, cầu thang, cái tủ làm bằng gỗ giáng hương, lim, sến, táu, rồi tự huyễn hoặc gỗ này nhập từ Lào, Miến, không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam. Philippine là quốc gia chịu nhiều bão nhất khu vực Đông Nam Á và chúng ta đã học rất nhiều từ bạn. Họ giữ rừng già, giữ những ngọn núi cao vì biết đây là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận giữ của thiện nhiên. Cơn bão số 10 được rừng già ở Philipphine giảm cấp là ví dụ rõ ràng.
Bảo vệ môi trường, theo ĐB Hiếu, phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy phải từ giáo dục. Với cách giáo dục hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động, hướng thiện vô cùng khó khăn. Chúng ta hình dung một cháu bé bước vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng đã đột ngột thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục không hay triết lý sẽ không tạo ra sản phẩm định hướng rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật.
“Tôi tin Việt Nam sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng, nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như Công Vinh, Thủy Tiên. Đây là hình ảnh tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn, gian khổ trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân, bác ái là truyền thống của dân tộc chúng ta. Việc chúng ta cần suy nghĩ là tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được giúp đỡ, và lòng yêu thương của con người sẽ ngày càng được lan rộng”, ĐB Hiếu nói.
Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra như một quy luật của thiên nhiên. Chính vì vậy không thể sử dụng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm này qua năm khác. Vì thế, theo ĐB Hiếu, chúng ta phải có chiến lược lâu dài để khắc phục hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược này phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, với sự góp ý của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thỏa thuận với các nước ở thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, đến những việc cấp thiết hiện nay như xây dựng bản đồ sạt lở, xây nhà chống lũ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn… Có như vậy người dân, ở đây chủ yếu là người nghèo, yếu thế, các lực lượng chức năng quân đội, công an mới không phải chịu tổn thất vô cùng đau xót như vừa qua.
Rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa
Trao đổi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được các ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: nền nông nghiệp của chúng ta đang vận hành theo hướng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch. Năm 2016, Quốc hội chất vấn 2 vấn đề lớn: một là, đầu vào của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta biết là, năm 2016, nền nông nghiệp cần khoảng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ. Sau kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta đã tăng tỷ lệ phân bón hữu cơ lên gần 4 triệu tấn. Đây là một xu hướng rất tích cực. Trong giai đoạn tới chúng ta có 243 nghìn ha đất canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, chúng ta xuất khẩu tới 235 triệu USD nông sản hữu cơ, thể hiện quyết tâm chính trị của chúng ta.
Hai là, về thuốc bảo vệ thực vật, những năm trước đây, một năm chúng ta nhập 120 nghìn tấn thuốc hóa học về bảo vệ thực vật. Đến năm 2019, chúng ta chỉ còn nhập 75 nghìn tấn, trong đó hướng đến 20% là thuốc sinh học. Điều này biểu hiện quyết tâm chính trị của chúng ta. Chúng ta đã giảm số danh mục và số thuốc thương phẩm. Trong 75 nghìn tấn thuốc nhập về, có một phần năm ngoái đã tái xuất bằng các sản phẩm chế biến giá trị 125 triệu USD.
“Như vậy, chúng ta đã cố gắng tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, kể cả phân bón, kể cả thuốc bảo vệ thực vật. Tới đây, chúng ta cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn kể cả về thể chế, chế tài đầy đủ hơn, hướng dẫn tốt hơn để cố gắng chúng ta vận hành nền nông nghiệp hướng phát triển bền vững, dinh dưỡng cao và sạch”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Về bảo vệ rừng, Bộ trưởng cho biết, đến nay tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng. Lúc đó hệ số che phủ rừng chỉ chiếm 27%; mà trong vòng 30 năm, một đất nước với GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay chúng ta có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%.
Về nguyên liệu, trong 4,3 triệu ha rừng trồng, chúng ta đã sản xuất ra 30 triệu m3 nguyên liệu để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay, chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu.
Về rừng tự nhiên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con chăm nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên với chế độ ngày càng tăng lên. Trước đây chúng ta có chế độ khoán chăm nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha, bây giờ lên 520.000 đồng/ha nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu/ha thì mới bảo đảm từng bước cho chất lượng khu vực 10,3 triệu ha khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên phát triển. Cùng với đó, bằng chính sách chi trả môi trường rừng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, mặt trái của vấn đề là, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nước Mỹ đã rải 77 triệu liễn thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Bộ trưởng Cường khẳng định, đây là một thách thức. Chính phủ, Quốc hội đã có Nghị quyết 20. Chúng ta từ chỗ phát triển theo hướng khai thác nặng về tự nhiên chuyển sang hướng thích ứng, thuận thiên. Do đó, 1,8 triệu ha đất lúa 4 năm vừa qua đã chuyển 400.000 ha đất sang cơ cấu thủy sản. Chính vì thế, chúng ta không những không giảm sản lượng xuất khẩu mà còn tăng sản lượng xuất khẩu trong khu vực này. Bây giờ chúng ta phải tái cơ cấu lại từng thời vụ một. Năm vừa rồi hạn mặn như thế nhưng 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng chỉ đạo rất sớm và chúng ta né được một phần hạn mặn, bảo đảm cho vụ đông xuân vừa rồi đạt kết quả rất cao. Tuy nhiên, vụ vừa rồi còn diện tích khoảng 7.000 ha ở ven biển do mưa nhiều nên bị mất mùa ngay khi thóc nảy mầm trên ruộng. “Do đó, chúng ta phải từng bước một mặt tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ theo thị trường, nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất”, ông nói.
2,3% là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt năm Covid - 19
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) khẳng định, năm 2020, kết quả thực hiện mục tiêu kép còn nhiều khiêm tốn nhưng tăng trưởng dương rất đáng ghi nhận, thành công và 2,3% là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt năm Covid - 19. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh lại cả vốn cam kết và vốn giải ngân. Vừa kiểm soát dịch bệnh vừa giữ vững kinh tế là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ được nhiều đại biểu và chuyên gia nhấn mạnh. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh cú sốc Covid-19 toàn cầu.
Tuy nhiên, năm sau nền kinh tế sẽ tăng trưởng được bao nhiêu? Đặt câu hỏi này, ĐB Chiến cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã được dự thảo với mục tiêu tổng quát và tập trung thực hiện kết quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời một số chỉ tiêu cụ thể cũng được đưa ra đó là tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4%, tỉ trọng đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào khoảng tăng trưởng 45-47%, năng suất lao động xã hội tăng vào khoảng 4,8%. Như vậy, so với kết quả dự kiến đạt được năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng GDP vào 2021 đang đặt ra ở mức khá cao nhưng mức năng trưởng 2020 thấp thì việc đặt mục tiêu tăng 6 - 6,5%/ năm vào năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được vì kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.
Bên cạnh chính sách tiền tệ chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua thì cần tập trung hơn chính sách tài chính, tài khóa, điều kiện phát triển du lịch để khai thác tiềm năng đặc biệt này. Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2020 sau đó chuẩn bị Đại hội bắt đầu từ năm đầu tiên kế hoạch 2021-2025.
Về chất lượng lao động, ĐB Chiến nhận định, hơn 20 năm, chúng ta tham gia cộng đồng ASEAN, và 30 năm đổi mới nhưng Việt Nam vẫn nằm trong 4 quốc gia hàng đầu. Hơn 20 năm, vốn ODA là 90 tỷ USD gần bằng ½ GDP hiện tại.
Bài toán tụt hậu cần có lời giải. Số liệu thống kê cho thấy năng suất lao động của người Việt vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Số liệu này không hợp lý bởi tiềm năng cả nước hơn 90 triệu dân trong thời kỳ dân số vàng. Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội phân theo các ngành kinh tế đang mất cân đối. Tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp, xây dựng. Năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn thấp, chưa chú trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao trong ngành du lịch.
Năng suất lao động đang là nút thắt, có tính chất quan trọng đối với nền phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động nhanh chóng mới giảm học phí lao động xã hội, hạ giá thành sản phẩm tối ưu mà vẫn có lợi nhuận, tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, năng suất lao động xã hội phụ thuộc nhiều vào năng lực của người lao động vào sự phát triển, khả năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất những quy mô của tư liệu sản xuất. Chính vì thế, “chìa khóa” để nâng cao năng suất lao động phải tập trung vào 2 vấn đề là phát huy các yếu tố thị trường và hoàn thiện vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự kinh tế
ĐB Chiến nêu một số giải pháp phát triển nền kinh tế thị trường phù hợp với bối cảnh Việt Nam như:
Thứ nhất, tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt vốn về vấn đề nguồn nhân lực. phát huy vai trò kết nối giữa 3 trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn lực, phát triển thị trường sức lao động. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong các thành phần kinh tế tự doanh nghiệp cho nền kinh tế thị trường vào thị trường giáo dục. Đưa yếu tố tự chủ cho các trường đại học để tự vận động theo cơ chế thị trường, nâng cao hạng mục chất lượng đào tạo hạng mục nguồn nhân lực. Liên kết nhiều hơn với nền giáo dục trên thế giới để liên kết đào tạo những cách chuyển giao quy trình, nội dung đào tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển và cải thiện nguồn lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Rà soát, sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi bình đẳng cho doanh nghiệp và người dân. Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp tài sản và quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự kinh tế. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi luật hóa giải một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tạo động lực, năng lực cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế của doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng với nguồn lực nhất là nguồn lực đất đai tài nguyên.
Thứ ba, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội cho nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội giá cả cải tiến phát triển, khắc phục khuyết điểm doanh nghiệp kém hiệu quả, chú trọng nhu cầu khả năng thanh toán, chú trọng nhu cầu thiết yếu xã hội nhất là của dân nghèo. Đề cao đạo đức kinh doanh, xóa bỏ ý thức lợi nhuận là trên hết do không tuân thủ quy chuẩn hàng giả, hàng kém chất lượng về hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng. Phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với chính sách kinh tế-xã hội khác, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là các đối tượng đặc thù đặc biệt là Chính phủ sớm ban hành các quy định tạo cơ chế chính sách kích cầu phát triển du lịch.
Đường sắt đô thị - toàn dự án tỷ USD nhưng chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận
ĐBQH Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nêu nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị. Ông chỉ rõ, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển bùng nổ, trở thành siêu đô thị, tăng dân số cơ học bình quân mỗi năm khoảng 200.000 người, gây áp lực khiến hệ thống hạ tầng cơ sở đang quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển kinh tế của hai thành phố.
Đơn cử như báo cáo của TP Hồ Chí Minh, mức thiệt hại ùn tắc giao thông của TP khoảng 6 tỷ USD, tương đương 13% GDP, hiện nay tập trung xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp cứu cánh, mang tính then chốt của cả hai thành phố. Hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố đều được xác định, như TP Hồ Chí Minh có khoảng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư 25 tỷ USD; Hà Nội 318 km, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ USD. Hiện có một số tuyến đường sắt đã triển khai ở các bước, các giai đoạn khác nhau.
ĐB Thường cho rằng, phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và rất cấp bách. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn có nhiều vấn đề. Mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư lớn, toàn tỷ USD nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận như dự án Cát Linh – Hà Đông, dự án Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương, ga Hà Nội… “Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại”, ông nói.
Cần nghiên cứu kiểu “đo ni, đóng giày” cho từng tuyến, từng đô thị Việt Nam
Nêu kiến nghị về vấn đề đường sắt đô thị, ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh 3 vấn đề:
Thứ nhất, về quy hoạch đô thị, giao thông đô thị và đường sắt đô thị, làm sao để dự án đô thị gắn kết vào giao thông đô thị, tích hợp vào đời sống đô thị và khẳng định vai trò của mình. Đô thị ở cả TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng mà chủ yếu phát triển theo quy luật kinh tế, với mật độ rất thấp, TP Hồ Chí Minh khoảng 2,1km/1m2; Hà Nội 3km/1m2 rất xa so với tiêu chuẩn lý tưởng, thiếu không gian đi bộ, có nhiều khu phát triển tự phát. Đây là những “mảng đặc” trong đô thị mà xe cộ gần như không thể xuyên qua, vận tải công cộng không thể tiếp cận. Vì thế bộ ba rất đặc biệt là: cảnh quan nhà phố, kinh tế vỉa hè và văn hóa xe máy có thể coi là khá đặc trưng của đô thị Việt Nam.
Xe máy vẫn đang duy trì vị trí độc tôn trong giao thông đô thị và hứa hẹn là đối tượng cạnh tranh cực mạnh của đường sắt đô thị. Hiện nay đường sắt đô thị chủ yếu chú ý về tính khả thi, tài chính, kỹ thuật, ít chú ý đến sự liên kết, phát triển không gian đô thị, mặc dù quy hoạch chung đều có liệt kê một loạt yêu cầu cho phát triển đường sắt đô thị, nhưng lại ít quan tâm đến tính khả thi. Cho nên các dự án đường sắt đô thị dường như chỉ là dự án nhập khẩu, một phép cộng thuần túy cho loại hình giao thông mới vào không gian đô thị.
Trong khi đó, để hệ thống đường sắt đô thị tồn tại, phát huy hiệu quả đúng nghĩa của phương tiện vận tải công cộng lớn thì cần có lượng người đi đông hơn. Việc này phụ thuộc vào sự tiện nghi, tính kết nối giữ nhà ga đường sắt đô thị và đô thị. Cụ thể là tuyến đi bộ, các trung tâm tập trung đông người, không gian công cộng, bến, bãi đỗ xe, phương tiện di chuyển xe buýt tương ứng.
Có chuyên gia cho rằng, xong tuyến metro mới được 1/3 chặng đường, 1/3 còn lại nằm ở bãi đỗ xe xung quanh, xe buýt trung chuyển, 1/3 cuối cùng là phát triển dự án cao tầng, quây, thắt chặt dọc và quanh metro trong bán kính khoảng 500 – 800 m. Phải quy hoạch, phát triển đồng bộ dịch vụ thương mại, chung cư, văn phòng. Nếu metro không tiện lợi thì hành khách sẽ ít và giá chở khách sẽ ở mức cao, kéo dài. Việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị phải gắn kết chặt chẽ với tái cấu trúc không gian đô thị. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng – một xu hướng tiên tiến hiện nay, nhưng cần nghiên cứu kiểu đo ni, đóng giày cho từng tuyến, từng đô thị Việt Nam, đặc biệt coi cải tạo đô thị là quy hoạch không tách rời quy hoạch xây dựng nhà ga, đường sắt đô thị tức là tái cấu trúc không gian đô thị xung quanh các nhà ga, gắn với kiến tạo nơi chốn tại các đô thị… từ đó thu hút dòng người sử dụng đường sắt đô thị.
Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để đầu tư, tích hợp đường sắt đô thị gắn với tái cấu trúc đô thị khu cũ, phát triển khu mới, như đô thị vệ tinh hay đô thị hai bên sông Hồng, phá vỡ điểm nghẽn, phát triển bề vững, văn minh, hiện đại.
Thứ hai, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, vốn, khả năng tích hợp. Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đường sắt đô thị cho nên việc triển khai dự án là rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Ngoài ra để giảm chi phí, tăng tính chủ động, cần khẩn trương tính toán việc nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ càng nhanh, càng tốt. Về khả năng tích hợp của các tuyến, do tuyến đường sắt đô thị do các nhà đầu tư khác nhau nên công nghệ, tiêu chuẩn khác nhau nên việc tích hợp công nghệ toàn ngành rất khó khăn. Các dự án đường sắt đô thị theo hình thức ODA, ngân sách nhà nước, nhưng ODA khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp. Cho nên, ở tầm chính sách vĩ mô, ĐB Thường đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị như Tokyo để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị và được hưởng lợi từ phát triển đường sắt đô thị.
Thứ ba, về đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đây là dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chất vấn Bộ Giao thông – Vận tải. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Bộ Giao thông – Vận tải cùng thành lập tổ công tác để tháo gỡ. Tuy nhiên còn khá nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ như kết luận của kiểm toán nhà nước, thanh toán, nghiệm thu, an toàn hệ thống. ĐB Thường đề nghị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để kéo quá dài gây bức xúc dư luận.
Nếu không răn đe mạnh mẽ thì nông sản sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh?
Đề cập đến việc quản lý phân bón thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, ĐB Trần Văn Cường (Đồng Tháp) cho biết, nhiều ý kiến cho rằng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại hiện như mê hồn trận trong nền nông nghiệp của chúng ta. Đây là thách thức lớn trong việc hướng đến 1 ngành nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.
Cử tri đã phản ánh đến Quốc hội về việc kinh doanh lĩnh vực phân bón thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phức tạp như: kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật chung với các hàng hóa khác, phân bón thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và có loại cấm sử dụng tại Việt Nam, lạm dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp với số lượng khá lớn khoảng 100 nghìn tấn/năm, trung bình mỗi người sử dụng 1kg thuốc thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Việc lạm dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống, mất an toàn hệ sinh thái nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
ĐB Cường cũng cho rằng, nông sản Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do chất lượng kém. Đồng thời lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng mà chúng ta đang quyết tâm triển khai trong thời gian qua. Ngày 9.9.2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 10 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam. Trong đó thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp có khoảng 1.795 hoạt chất và có đến 4390 tên thương hiệu đang sản xuất và kinh doanh trên thị trường. Mặc dù thời gian qua các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra nhưng chúng ta có thể thấy với số lượng như thế và lực lượng quản lý có hạn nên việc kiểm tra, giám sát các kênh tiêu thụ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn và có thể không quản lý tốt được.
Theo ĐB Cường, nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do, chế tài đối với các hành vi của người sản xuất và người buôn bán, sử dụng chưa đủ sức răn đe. Ngược lại một bộ phận người dân không được truyền thông đầy đủ các tác hại của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã lạm dụng gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và bản thân.
Hai là, danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành nên có những hoạt chất bị cấm trong lĩnh vực này nhưng lại không cấm trong lĩnh vực khác dẫn đến việc sử dụng tràn lan khó kiểm soát và khó quản lý. Ba là, chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường nhất là nông sản nội địa.
ĐB Cường kiến nghị cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hoạt chất, hóa chất độc hại trên thị trường. Tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật. “Nếu không có sự răn đe mạnh mẽ thì nông sản của Việt Nam sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt hậu quả nặng nề đối với sức khỏe người dân, ảnh hưởng tới giống nòi của dân tộc ta”, ông Cường nói.
Cùng với đó, cần thực hiện thí điểm việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng đối với các mặt hàng nông sản ở các thành phố lớn. Đầu tư hẳn vào nghiên cứu chế phẩm thay thế các chất hóa học gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ban hành những quy định và chế tài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Ban đầu có rất nhiều khó khăn để thay đổi nhận thức của người dân nhưng quan trọng hơn nữa là phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức mới giúp họ hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe. Giữ gìn tốt hệ sinh thái tự nhiên cho thế hệ tương lai vì quê hương vì giống nòi mai sau và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.
Cần chính sách đột phá phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Các ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), ĐBQH Trần Văn Cường (Đồng Tháp), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn)... bày tỏ thống nhất với các nhận định, đánh giá được nêu trong các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.
Theo ĐB Nguyễn Thị Lan, mặc dù trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020 chúng ta đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường, do những yếu tố bất lợi, xung đột địa chính trị gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực hoạt động; đã trở thành ngôi sao sáng trong công cuộc khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế.
Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao để vừa chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 và thiên tai bão lũ gây ra, vừa để phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong nhiệm vụ, giải pháp thứ năm của Báo cáo, Chính phủ đã đặc biệt chú trọng đến đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Chính phủ, ĐB Lan cho rằng, đây là một giải pháp đúng đắn mang tính đột phá, tạo động lực then chốt để phát triển nền kinh tế tri thức nhanh và bền vững.
ĐB Lan cũng đề xuất với Quốc hội một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt là chú trọng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ nguồn tài nguyên nguyên bản là spin-off, một mô hình mà thế giới coi là có hiệu quả thiết thực để phát triển và thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu thành công từ các trường đại học.
Trường đại học, viện nghiên cứu là một trong ba thành tố quan trọng nhất trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam chúng ta có 237 trường đại học với 16.500 tiến sỹ, 574 giáo sư, 4.113 phó giáo sư và hàng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sỹ với khoảng hơn 36 nghìn thạc sỹ và 1,5 triệu sinh viên đại học chính quy. Các trường đại học có quan hệ hợp tác quốc tế với hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới. Hàng năm có khoảng vài nghìn đề tài nghiên cứu các cấp được triển khai từ các trường đại học, tạo ra nhiều công nghệ, kỹ thuật mới rất cần cho thực tế sản xuất và đời sống. Đây thực sự là nguồn lực quý giá có tiềm năng to lớn mà chúng ta cần phát huy, khai thác để đóng góp tích cực cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực đổi mới cơ chế, ban hành các luật liên quan đến khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Để phát huy các nguồn lực trên từ các trường đại học, mặc dù khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, những đóng góp từ khu vực này cho sự phát triển của đất nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Nhiều công nghệ của sản phẩm, đề tài nghiên cứu chưa được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội. Khi mô hình tự chủ đại học ra đời cùng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học. Thực tế cho thấy mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp start-up đã được quan tâm nhiều, tuy nhiên mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học. Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off là doanh nghiệp hình thành trong các trường đại học để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế.
Mô hình này tạo ra cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học khởi nghiệp bằng chính công nghệ của mình, và thu hút các đối tác ngoài xã hội cùng tham gia nghiên cứu, đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ một cách minh bạch, hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng, phục vụ xã hội. Mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đã rất thành công trên thế giới…, tạo ra doanh thu khá lớn và nhiều việc làm trên các lĩnh vực.
Để khai thác và phát huy tiềm năng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo to lớn ở các trường đại học, viện nghiên cứu, để mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off của trường đại học thực sự có hiệu quả, ĐB Lan đề nghị:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các văn bản dưới luật của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Luật Khoa học công nghệ và một số các pháp luật liên quan khác, đưa ra hướng dẫn hình thành, vận hành mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong các trường đại học, nhất là các chính sách thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ hỗ trợ rủi ro.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược khoa học công nghệ quốc gia, quy hoạch, dự báo nhu cầu đổi mới công nghệ gắn với quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ quốc gia đủ mạnh để giải quyết các bài toán lõi, và các công nghệ chiến lược mới phù hợp để phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ ba, có chính sách thực sự đột phá và thiết thực để huy động được đội ngũ trí thức đông đảo từ các trường đại học, viện nghiên cứu tích cực tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia. Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá lại và bổ sung mới các chính sách để thu hút đội ngũ các nhà khoa học quốc tế và việt kiều có đóng góp cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
“Như vậy, một lần nữa, tôi muốn khẳng định khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có vai trò nền tảng, quan trọng để phát triển một nền kinh tế tri thức bền vững. Và để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đó, chúng ta không thể không chú trọng đến mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off và đặc biệt vai trò dẫn dắt tiên phong to lớn của các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi không những đóng góp nhiều ý tưởng và công nghệ đột phá mà còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực không những giàu tiềm năng về khoa học công nghệ mà còn đầy sức trẻ với khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ, vì một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường”, ĐB Lan nhấn mạnh.
Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Từ 16 giờ 40, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.