Quốc hội thảo luận sôi nổi về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

GD&TĐ - Sáng 7/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc - thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phiên làm việc do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành.

Toàn cảnh phiên họp ngày 7/11. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh phiên họp ngày 7/11. Ảnh: Quang Khánh

Chính sách khoan hồng của Nhà nước

Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, qua 10 năm thi hành Luật Đặc xá, một số quy định không còn phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách này của Đảng và Nhà nước.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc - đoàn Đồng Nai, đặc xá là một tập quán cần thiết, thể hiện tính nhân đạo và khích lệ những người hoàn lương; đồng thời hạn chế tình trạng quá tải tại các trại giam. Thực tế, chúng ta có nhiều cách giam giữ, giám sát, không chỉ có việc cách ly khỏi xã hội. Vì thế, việc tạo ra một môi trường tốt cho người được đặc xá hòa nhập chính là môi trường để họ cải tạo tốt nhất.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quá trình lựa chọn người được tha tù trước thời hạn, đặc xá cần minh bạch, ai là người giám sát quá trình này? Còn giám sát người được đặc xá, gánh nặng thuộc về địa phương quản lý. “Ở nhiều nước đã dùng công nghệ để giám sát những người này. Còn hiện nay ở ta hầu như chỉ phó mặc cho chính quyền địa phương”- đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Liên quan đến dự thảo Luật này, đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn Phú Thọ cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm như: Đại xá, ân xá, đặc xá, tha tù trước thời hạn. Hiện nay, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Nhà nước có đặc xá. Tuy nhiên, trong luật không nói rõ là đặc xá một năm bao nhiêu lần và vào dịp nào. Đặc xá là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho những người ăn năn hối cải hưởng lượng khoan hồng. “Có trường hợp cố tạo ra “vỏ bọc” để được đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn, sau đó lại phạm tội tiếp là rất nguy hiểm” - đại biểu Cao Đình Thưởng quan ngại.

Trước đó, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), các đại biểu đều khẳng định, đặc xá là chính sách khoan hồng của Nhà nước. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Phạm Thị Thu Trang - đoàn Quảng Ngãi. Theo đại biểu, mục đích cuối cùng của chính sách khoan hồng là xây dựng nên con người có ích. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về các điều kiện đảm bảo thực hiện trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện chính sách này.

Làm rõ quy định về thời điểm đặc xá

Về thời điểm đặc xá, theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang, dự thảo luật quy định thời điểm đặc xá trong 3 trường hợp, đó là: Sự kiện trọng đại của đất nước, ngày lễ lớn và trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Với tính chất sự phân hàm đặc biệt của Nhà nước và thực tế thi hành Luật Đặc xá hiện nay cho thấy, thời điểm đặc xá thường rơi vào các ngày lễ lớn như: Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng thống nhất đất nước 30/4.

Đại biểu đề nghị không quy định thời điểm đặc xá là các ngày lễ lớn, chỉ nên tập trung vào sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời nên quy định có khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá có thể tối thiểu 3 năm giữa hai lần đặc xá.

Liên quan đến thời điểm xét đặc xá, đại biểu Bùi Quốc Phòng - đoàn Thái Bình góp ý: Dự thảo Luật không nên quy định cụ thể vì có thể sẽ không bao quát hết các sự kiện trọng đại của đất nước. Đồng thời, cũng không nên quy định về tần suất đặc xá mà trao quyền này cho Chủ tịch nước. Như vậy, càng khẳng định thẩm quyền đặc biệt và đặc ân mà Chủ tịch nước dành cho những người bị phạt tù có thời hạn đã cải tạo tốt được xét đặc xá.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết thêm: Dự thảo Luật này xoay quanh 7 nội dung lớn: Thứ nhất, đặc xá là gì? Thứ hai, thẩm quyền của ai? Thứ ba, đối tượng nào được hưởng đặc xá? Thứ tư, thời điểm nào được đặc xá? Thứ năm, điều kiện nào được xét? Thứ sáu, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cụ thể của các chủ thể trong quy trình xét đặc xá và thứ bảy, tái hòa nhập cộng đồng như thế nào?

“Với tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do Chủ tịch nước quyết định cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn hoặc trường hợp đặc biệt; quan điểm của Ban soạn thảo từ trước đến nay là: Đây là chính sách khoan hồng đặc biệt do người đứng đầu Nhà nước quyết định. Do đó, phải phân biệt với chính sách khoan hồng đang song song tồn tại hiện nay là: Miễn chấp hành hình phạt theo Bộ luật Hình sự; giảm mức hình phạt đã tuyên và tha tù trước thời hạn có điều kiện” - bà Lê Thị Nga nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ