Quốc hội chính thức thông Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

GD&TĐ - Chiều 11/1, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả biểu quyết
Kết quả biểu quyết

Giảm 2% thuế VAT trong năm 2022

Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đó là: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025:

Tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân.

Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KTXH Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm có chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.

Về chính sách tài khoá gồm có chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỉ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó có các khoản chi cho y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023

Về chính sách tiền tệ, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên;

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng;

Sử dụng tối đa 46 nghìn tỉ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.

Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt... Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỉ đồng).

Trong đó: Năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỉ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm chính sách hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỉ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỉ đồng và một số khoản khác. Tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.