Quốc hội thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

GD&TĐ - Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 7/1. Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại 72 Tổ (trong đó có 10 Tổ tại Nhà Quốc hội và 62 Tổ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tập trung về: sự cần thiết, quan điểm xây dựng dự án Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; hồ sơ dự án Luật; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể của 8 Luật; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của Luật...

Tại phiên thảo luận Tổ, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời cho rằng, đây là dự án Luật lớn, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhau; việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Đối với Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết của Dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô mặt cắt ngang; phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành; cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án…

Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết; thẩm quyền ban hành Nghị quyết, về tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ trình; phạm vi chính sách trong dự thảo Nghị quyết; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, quy hoạch; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An- Cần Thơ; khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành Nghị quyết…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ