“Nếu hậu quả kinh tế của vụ việc này không đáng kể thì sẽ có những hậu quả về địa chính trị. Ngay sau sự cố, Nga đã đề xuất một tuyến đường thay thế giữa miền Đông và châu Âu vốn ngắn hơn 5.000km so với đi qua kênh đào Suez. Trung Quốc cũng làm như vậy với Con đường tơ lụa Bắc cực của họ” – báo Figaro dẫn lời ông Lenglet.
Nhà báo người Pháp nhấn mạnh rằng khả năng tạo ra và kiểm soát các tuyến đường thương mại luôn được coi là một công cụ quyền lực. Ông nhớ lại rằng kênh đào Suez được người châu Âu xây dựng, trong đó có người Pháp. Vương quốc Anh chịu trách nhiệm bảo vệ nó sau Thế chiến thứ nhất. “Và cuối cùng nó nhường chỗ cho một lãnh đạo thế giới mới là Mỹ - quốc gia đã kiểm soát các tuyến đường thương mại trong suốt thế kỷ 20” – ông Lenglet nói.
“Ngày nay, sự thống trị của Mỹ đang bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc – những nước muốn đưa ra mô hình tuyến thương mại toàn cầu của họ” – nhà báo trên kết luận.
Ngày 23/3, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới là Ever Given đã mắc cạn do gió mạnh và bão cát. Con tàu có trọng lượng choán nước 220.000 tấn, dài 400m đã chặn hoàn toàn luồng hàng hải tại kênh này. Kết quả là khoảng 400 tàu phải xếp hàng chờ để đi qua. Ever Given đã được giải cứu hôm thứ 2 tuần này.
Kênh đào Suez xử lý 12% lưu lượng hàng hóa trên thế giới, đồng thời là một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất cho các chuyến tàu chở dầu trên toàn thế giới. Có tới 8% số tàu chở khí đốt hóa lỏng đi qua kênh đào Suez. Tổng cộng, khoảng 19.000 tàu sử dụng kênh mỗi năm hoặc hơn 50 tàu mỗi ngày.