Quốc đảo Dominica: Đứng dậy từ đống đổ nát

GD&TĐ - 90% công trình xây dựng đảo quốc Dominica bị phá hủy chỉ sau một đêm bởi cơn bão Maria . Từ đống đổ nát, đất nước này đã hồi phục và đang theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng: Trở thành quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.

Hồi sinh mạnh mẽ, Dominica trở thành quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.
Hồi sinh mạnh mẽ, Dominica trở thành quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.

Mục tiêu mới

Cách đây 2 năm, bầu trời đảo quốc Domonica bỗng tối sầm, mây vần vũ, gió tăng dần cấp độ. Ngoài biển, sóng đập vào bờ với cường độ mạnh. Người dân lúc đó không ngờ cơn bão Maria đang tập trung sức mạnh để phá hủy 90% công trình kiến trúc của đảo, làm tê liệt nền kinh tế và buộc quốc gia nhỏ bé, vốn góp phần ít ỏi vào sự biến đổi khí hậu phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Nằm ở phía Đông biển Caribbean, Dominica cách Caracas, thủ đô của Venezuela khoảng 800km về phía Đông Bắc. Người dân nơi đây không xa lạ gì với những trận bão nhưng cơn cuồng phong Maria khiến họ trở tay không kịp. 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính bão Maria đã gây tổng thiệt hại tương đương 224% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Dominica. Các chuyên gia tài chính dự đoán phải mất khoảng ba năm, đất nước này mới có thể trở lại tình trạng trước cơn bão.

Từ hiểm họa tiềm tàng, Dominica đặt ra một mục tiêu mới: Trở thành quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới, có khả năng phát triển thịnh vượng, cho dù những cơn bão ngày càng trở nên mạnh mẽ, tàn phá dữ dội hơn.

Năm ngày sau khi cơn bão ập đến, Thủ tướng Roosevelt Skerrit của Dominica đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: “Tôi đến với quý vị ngay từ tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước đây, chúng tôi chuẩn bị đón mỗi năm một cơn bão lớn nhưng hiện nay, có hàng nghìn cơn bão hình thành ở giữa Đại Tây Dương sẵn sàng tấn công chúng tôi với sức mạnh tối đa và cơn thịnh nộ dữ dội”.

Bài phát biểu gây xúc động của ông Skerrit nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Nhiều nguồn quỹ đổ vào giúp Dominica trở thành quốc gia có khả năng thích ứng hoàn toàn với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới.

Hồi sinh mạnh mẽ

Không thể thay thế những gì đã mất, nhưng đất nước này đang xây dựng cho tương lai, đảm bảo sẽ vững vàng trước cơn bão dữ như Maria.

Dominica không chỉ nỗ lực xây dựng các tòa nhà chống bão, mà còn phát triển nền kinh tế đa dạng, bao gồm cả ngành du lịch thu hút khách hàng nhiều tiền của và hệ thống nông nghiệp trồng nhiều loại trái cây, rau củ, thay vì chỉ đặt trọng tâm vào xuất khẩu chuối.

Hòn đảo cũng duy trì nét nguyên sơ để thu hút khách du lịch. Tuy diện tích chỉ lớn hơn một chút so với thành phố Austin, bang Texas (Mỹ), Dominica có đến 365 con sông, đủ để bơi mỗi ngày trên một dòng sông trong vòng một năm. 

Ngoài ra, đất nước này còn có những ngọn núi lửa đang hoạt động, khu rừng nhiệt đới ngút ngàn, rạn san hô tuyệt đẹp và những bãi biển cát đen đầy quyến rũ. Trên các trang web du lịch, Dominica được ví như Đảo Thiên nhiên, điểm đến cho các nhà thám hiểm, vận động viên thể thao hoặc các hành giả tìm kiếm nơi ẩn dật.

Theo Pepe Bardouille, Giám đốc điều hành Cơ quan thực thi khả năng thích ứng khí hậu của chính phủ Dominica (CREAD), thách thức không chỉ liên quan đến cơ sở hạ tầng, đảo quốc này cần có một ý thức chung để chuẩn bị cho những cơn bão trong tương lai như Maria.

CREAD được thành lập đầu năm 2018, để đảm bảo mọi lĩnh vực tái thiết sau bão, Maria luôn giữ được khả năng thích ứng với khí hậu. Đề ra các quy tắc xây dựng thống nhất, các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, nhà máy năng lượng địa nhiệt mới, cơ sở chăm sóc sức khỏe được cải thiện, hạ tầng giao thông vững chắc trên đất liền và trên biển, mục tiêu của CREAD là tìm ra cách chống bão càng hiệu quả càng tốt.

Năm 2018, Dominica đã thông qua Đạo luật Thích ứng khí hậu, có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2019. Nền kinh tế hiện đã tăng 9%. Du lịch đang trên đà phát triển. Tất cả các trường học đều mở cửa. 

Một bệnh viện tiên tiến được xây dựng và tiếp nhận bệnh nhân vào tháng 8/2019. 500 ngôi nhà mới được xây dựng và hơn 1.000 ngôi nhà khác đang hoàn chỉnh. Tất cả các tòa nhà mới phải có khả năng chịu được tác động của cơn bão cấp 5. Các mái nhà mới phải làm dốc hơn và được gia cố bằng ốc vít thay vì đinh để chịu được gió mạnh. 

Về nông nghiệp, chính phủ hy vọng sản lượng chuối sẽ trở lại mức trước khi bị bão Maria tàn phá. Đồng thời, để bảo đảm an ninh lương thực, hạt giống các loại sẽ được phân phối cho nông dân như khoai sọ, khoai mỡ, khoai tây và trái cây cung cấp cho thị trường địa phương.

Một chương trình thí điểm tại các trường tiểu học, không chỉ cung cấp bữa trưa cho học sinh, mà còn có kho dự trữ lương thực trong trường hợp bão tấn công phá hủy giao thông trên đảo. 

Ngoài ra, còn có một chương trình cho vay công cụ, hỗ trợ miễn phí cho việc tái thiết. Một nơi tập trung các phương tiện xe cộ được xây dựng, sẵn sàng dọn dẹp đường sá thu gom mảnh vỡ khi cần.

Dominica đang hồi sinh mạnh mẽ, mặc dù có những “vết sẹo” nhắc nhở người dân rằng, những cơn bão có cường độ như vậy luôn là hiểm họa tiềm tàng. Nếu quá trình thực thi việc thích ứng với khí hậu thành công, Dominica có thể hồi phục từ cơn bão cấp 5 trong vài tuần chứ không phải vài tháng hay nhiều năm.
Theo National Geographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ