Quốc Cường Gia Lai liên quan vụ án Tân Thuận?

GD&TĐ - Quốc Cường Gia Lai (QCGL) mua tài sản thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá. Thương vụ đã bị hủy nhưng vẫn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Dự án Ven Sông được Quốc Cường Gia Lai hoàn thiện một phần, bàn giao cho khách hàng.
Dự án Ven Sông được Quốc Cường Gia Lai hoàn thiện một phần, bàn giao cho khách hàng.

Bán rẻ tài sản công

Cơ quan An ninh Điều tra Công an TPHCM ra kết luận bổ sung lần 2 vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước). Vụ án được khởi tố năm 2019 và trải qua 2 lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Gần nhất, tháng 12/2021, Viện kiểm sát đề nghị khẩn trương định giá để xác định tài sản Nhà nước bị thất thoát. Ngoài ra, Công ty QCGL được đánh giá là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên phải hiểu rõ quy định liên quan nhưng lại nhận chuyển nhượng tài sản từ Công ty Tân Thuận không qua đấu giá. Phía kiểm sát cho rằng phải làm rõ vai trò, tránh nhiệm của doanh nghiệp này.

Sau 3 tháng làm việc, cơ quan điều tra giữ quan điểm đề nghị truy tố 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Trong số này có ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Theo kết luận bổ sung, tháng 11/2000, Công ty Tân Thuận được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè; việc này được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương. Dự án có diện tích 509.214 m2 nhưng đến hết năm 2013, Tân Thuận mới đền bù được 324.970 m2.

Năm 2016, Công ty QCGL có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Ông Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TPHCM thẩm định. Doanh nghiệp này sau đó ban hành chứng thư thể hiện diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân 1,05 triệu đồng/m2.

Cảnh sát cáo buộc, Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận chỉ dùng giá trong chứng thư thẩm định làm căn cứ duy nhất trong việc xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2.

Bán đất nhưng không báo cáo

Ông Tất Thành Cang đã nhận 10 năm tù và hiện tiếp tục bị đề nghị truy tố.
Ông Tất Thành Cang đã nhận 10 năm tù và hiện tiếp tục bị đề nghị truy tố.

Năm 2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty QCGL với giá 1,29 triệu đồng/m2, được thanh toán 374 tỷ đồng kèm 23 tỷ đồng tiền thuế. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định lại giá trị trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2 nên tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng, tức cao hơn giá bán của Tân Thuận.

Do vậy, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho QCGL. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận trả lại cho QCGL số tiền đã nhận cùng khoản lãi. Việc này bị xác định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 167 tỷ đồng.

Tại dự án Khu dân cư Ven Sông, Quận 7 với diện tích 32.967m2, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất là hơn 17,6 triệu đồng/m2. Cuối năm 2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty QCGL với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.

Trong vụ án, ông Tất Thành Cang bị cáo buộc không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển dù chính ông có bút phê “đồng ý” trong tờ trình bán đất. Ông Cang đã tự ý chấp thuận cho cấp dưới thực hiện chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường; thể hiện lỗi cố ý; đã vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; gây thiệt hại hơn 167 tỷ đồng.

Tại dự án Khu đô thị Ven Sông, phía điều tra xác định chưa có chứng cứ thể hiện ông Tất Thành Cang liên quan sai phạm. Tháng 1/2022, ông Cang bị TAND TPHCM tuyên sơ thẩm 10 năm tù do liên quan sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty Nguyễn Kim với giá thấp. 

Sẽ tiếp tục điều tra

Cũng theo kết luận, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty QCGL là người trực tiếp đàm phán, ký kết các hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Tân Thuận. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của bà Loan sau khi có kết luận giám định về giá trị tài sản chuyển nhượng giữa Tân Thuận và QCGL từ các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư.

Công ty QCGL đã nhận chuyển nhượng các tài sản từ Công ty Tân Thuận không thông qua đấu giá nên hành vi của các cá nhân liên quan trong doanh nghiệp này sẽ tiếp tục được làm rõ.

Về số tiền 21 tỷ đồng Công ty Tân Thuận trả cho QCGL khi các bên hủy hợp đồng, bà Loan xin nộp lại phần chênh lệch lãi suất giữa tiền Tân Thuận thu được nếu gửi tiết kiệm và thỏa thuận lãi với QCGL. Phần còn lại, bà Loan đề nghị không phải nộp vì đây là: “Tiền lãi phát sinh Công ty QCGL đã chuyển cho Tân Thuận”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đề nghị truy thu số tiền này.

Về trách nhiệm dân sự trong vụ, phía điều tra cho rằng do Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự vẫn chưa có kết quả định giá tài sản tại thời điểm Tân Thuận ký hợp đồng với QCGL vào tháng 8/2018 (dự án Phước Kiển) và tháng 11/2017 (dự án Ven Sông) cũng như tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 12/2019. Do đó, chưa có cơ sở xác định cụ thể trách nhiệm dân sự của từng bị can trong vụ tại các thời điểm này.

Liên quan việc thu hồi tài sản tại dự án Ven Sông, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản trả lời phía điều tra thể hiện một phần dự án thuộc Khối A Khu IV đã được Công ty QCGL xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Văn phòng UBND cho rằng: “Việc thu hồi dự án sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và làm mất an ninh trật tự khu vực”. Phần còn lại trong dự án sẽ được Sở Tài nguyên thành phố xem xét, giải quyết theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ